(VOV5) - Dù bối cảnh khó khăn,tăng trưởng kinh tế quý 3 của Việt Nam vẫn đạt 5,33% - cao hơn mức tăng 2 quý trước.
Phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ hôm cuối tuần trước (30/9), đã chỉ ra nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Những điểm sáng này là những tín hiệu tích cực về sự hồi phục của nền kinh tế, cũng là những động lực chắc chắn về sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm nay và những năm tiếp theo.
Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát thế giới hiện đã có xu hướng hạ nhiệt nhưng vẫn cao; xung đột địa chính trị còn phức tạp, chính sách thắt chặt tiền tệ tại một số nước lớn chưa có nhiều cải thiện. Thực tế đó tác động mạnh mẽ đến hoạt động doanh nghiệp, thương mại, đầu tư và xuất khẩu của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Những điểm sáng ý nghĩa
Dù bối cảnh khó khăn,tăng trưởng kinh tế quý 3 của Việt Nam vẫn đạt 5,33% - cao hơn mức tăng 2 quý trước. Điều này cho thấy các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế xã hội được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và nỗ lực thực hiện ngay từ đầu năm đã dần phát huy hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hương,Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn nhận: Trước những khó khăn, thách thức, nhiều giải pháp đã tích cực được thực hiện, như: giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, miễn giảm, gia hạn thuế phí, tiền sử dụng đất hỗ trợ doanh nghiệp, nâng thời hạn VISA điện tử cho khách du lịch, tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, của thị trường trái phiếu và quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Do đó, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục đạt được xu hướng tích cực rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tài chính |
Tích cực đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 4,24% của nền kinh tế 9 tháng qua là hoạt động đầu tư. Vốn đầu tư công thực hiện 9 tháng ước đạt hơn 415 nghìn tỷ đồng (17,1 tỷ USD), bằng 57,4% kế hoạch năm, tăng 23,5% cùng kỳ năm trước. Tính đến 20/9 năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng là tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết: Quý III, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất các quý III giai đoạn 2018-2022 và gấp 1,4 lần so với cùng kỳ 2022. Điểm sáng tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp giải thể trong tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng giảm dần kể từ năm 2019 đến nay.
Trong những con số không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế quốc tế tác động khó lường, phải kể đến là xu hướng tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu. Sau 3 tháng giảm sâu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 9 của Việt Nam đã có mức tăng dương với mức 4,6%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng ước đạt 259,7 tỷ USD. Nhập khẩu hàng hoá cũng đạt tốc độ tăng trưởng 2,6% trong tháng 9, trong khi 3 tháng liền kề đều tăng trưởng âm.
Động lực tăng trưởng cho những tháng cuối năm
Nếu ở các quý trước, vấn đề lạm phát còn là nỗi lo của các doanh nhân, các nhà quản lý kinh tế, thì nay, thông tin về việc lạm phát hạ nhiệt đã chính thức được khẳng định trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 30/9. Điều này thực sự hứa hẹn sự khởi sắc của kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm. Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch Đầu tư, nêu rõ: Từ giờ cho đến cuối năm, chúng ta có thể yên tâm với việc sẽ đạt được mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay. Giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát thì phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả của thế giới để kịp thời cảnh báo các nguy cơ có khả năng tác động vào lạm phát của Việt Nam. Phải chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu người dân;kiểm soát giá nguyên nhiên, vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng các nguyên, nhiên, vật liệu trong nước thay thế nguồn nhập khẩu.
Để phát huy những động lực tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, bài toán nên hay không nên tiếp tục hạ lãi suất để gia tăng tín dụng, kích cầu kinh tế vẫn tiếp tục được đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều biến động. Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Dư địa để tiếp tục hạ lãi suất của Việt Nam thời gian tới không còn nhiều, do những áp lực từ Mỹ, Châu Âu liên quan đến mặt bằng lãi suất thế giới. Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cần hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn trong xây dựng các phương án đầu tư kinh doanh, cắt giảm những thủ tục có liên quan, đặc biệt là thời gian thẩm định các dự án, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quan trọng khác, như: điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa hợp lý; đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng, kích cầu thương mại, dịch vụ, quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các hoạt động khác để nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng tốt, là cách mà Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành để phát triển kinh tế xã hội, trong ba tháng cuối năm nay.