Nỗ lực để đạt mức tăng trưởng GDP năm 2020

(VOV5) - Một loạt giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong 3 tháng cuối năm được lãnh đạo nhiều Bộ, ngành đưa ra.

Tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 9, ngày 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP năm 2020 từ 2,5 - 3%. Mức tăng trưởng này là khả quan khi nhiều tổ chức nghiên cứu trong nước và nước ngoài cũng đưa ra những dự báo tương tự. Trong bối cảnh đã khống chế thành công 2 đợt dịch COVID - 19, nhiều ngành kinh tế từng bước hồi phục, Việt Nam đang nắm bắt cơ hội để tăng tốc, đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nỗ lực để đạt mức tăng trưởng GDP năm 2020 - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Một loạt giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong 3 tháng cuối năm được lãnh đạo nhiều Bộ, ngành đưa ra, trong đó có việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực.

Hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách linh hoạt

Tăng trưởng tín dụng phản ánh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quý II/2020, tín dụng tăng hoảng 4,2 - 4,3% so với cùng kỳ. Riêng tháng 9, tăng từ 4,3% đến 6,1%, tức là tăng khoảng 1,8%. Điều này cho thấy những dấu hiệu rất tích cực về thanh toán vốn của các doanh nghiệp và các hộ nông dân, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất, dịch vụ. Như vậy, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn do tác động của dịch nhưng các doanh nghiệp có những chuyển biến rất tích cực và linh hoạt tiếp cận các khoản vay mới trên cơ sở khoản nợ đã được giãn thời gian, hoãn hoặc cơ cấu lại.

Trong điều kiện Việt Nam kiểm soát tốt dịch như hiện nay, đặc biệt là hỗ trợ tích cực doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, thì dư nợ tín dụng trong năm nay có thể tăng khoảng hơn 9% là khả thi. Để đạt mục tiêu này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Để đạt điều đó, ngân hàng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm cả cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất cho vay, tổng mức giảm 3 lần khoảng 1,5-2%, tạo ra nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tổ chức cho vay với lãi suất thấp hơn dành cho các doanh nghiệp. Việc hạ lãi suất cũng là một trong những lý do cơ bản quan trọng để tạo điều kiện cho tín dụng mở rộng. Ngoài ra, cùng với nhiều chính sách khác của Chính phủ, các bộ, ngành cũng tạo thuận lợi hơn trong hỗ trợ về tài chính, về thuế giúp các doanh nghiệp.”

Nỗ lực để đạt mức tăng trưởng GDP năm 2020 - ảnh 2Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Cùng với chính sách tài khóa, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là xuất khẩu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định:Thứ nhất là hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Thứ hai, chúng tôi tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì trong bối cảnh COVID-19, các doanh nghiệp không thể đi ra nước ngoài. Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua giao dịch trực tuyến, hoặc qua phương thức khác. Tiếp theo là cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.”

Nỗ lực để đạt mức tăng trưởng GDP năm 2020 - ảnh 3 Quang cảnh phiên họp. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Thu hút đầu tư nước ngoài

Việc thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 và xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn, Việt Nam cũng cần nắm bắt. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực: “Bộ tổ chức một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp). Qua các cuộc xúc tiến đầu tư này, rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam, họ đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về việc thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan toả, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam…Cùng với việc Thủ tướng cho phép mở lại một số đường bay quốc tế, chúng tôi rất hy vọng cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hoá việc dịch chuyển của mình.”

Vượt qua những tác động tiêu cực do dịch COVID - 19 gây ra, 9 tháng qua, Việt Nam thành công với mức tăng trưởng GDP 2,12%. Kết quả này cùng với sự cố gắng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn trong 3 tháng cuối năm 2020, hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP từ 2,5 - 3%

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác