Nước Pháp trước những ngã rẽ quan trọng

(VOV5) - Về kinh tế, tình trạng bất ổn tại Pháp sẽ lan rộng sang các quốc gia khác thuộc khu vực đồng euro.

Ngày 05/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chấp thuận đơn từ chức của Chính phủ do Thủ tướng Michel Barnier đứng đầu sau khi các nghị sĩ phe đối lập bỏ phiếu bất tín nhiệm ông 1 ngày trước đó. Điều này không chỉ đánh dấu sự thay đổi quyền lực chính trị mà còn đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn, giữa lúc Pháp đang phải đối mặt với khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng và những bất ổn kinh tế kéo dài.

Nước Pháp trước những ngã rẽ quan trọng - ảnh 1Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4/12/2024 - Ảnh: THX/TTXVN

Ông Michel Barnier đã bị buộc phải từ chức khi đảm đương chức vụ Thủ tướng Pháp mới được 3 tháng, sau khi các nghị sĩ cánh hữu và cánh tả thống nhất bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại ông. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, Tổng thống Macron phải đối mặt với việc thay đổi thủ tướng, sau khi ông Gabriel Attal từ chức vào tháng 7.

Áp lực lên Tổng thống Macron gia tăng

Đã có 331 trong số 577 nghị sĩ Pháp bỏ phiếu chống nhằm vào Chính phủ của Thủ tướng Barnier. Chính quyền của ông Michel Barnier là chính phủ Pháp đầu tiên bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962 và ông Barnier trở thành vị Thủ tướng tại vị ngắn nhấn trong lịch sử Pháp.

Việc ông Michel Barnier rời ghế Thủ tướng khiến nước Pháp rơi vào tình trạng thiếu Thủ tướng và ngân sách trong những ngày cuối năm. Điều này làm gia tăng áp lực cho chính quyền Tổng thống Macron, bởi ông sẽ phải cùng lúc giải quyết 2 vấn đề: khoản ngân sách sẽ phải được thông qua trước hạn chót 21/12; và chọn Thủ tướng mới trong bối cảnh khó có thể tìm ra ứng cử viên nào có khả năng nhận được sự ủng hộ của cả phe tả lẫn phe cực hữu.

Ông Macron đã đi được nửa chặng đường nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 và cuối cùng của ông. Kết quả bầu cử sớm vừa qua đã làm phức tạp thêm giai đoạn cầm quyền cuối cùng của ông cũng như làm giảm quyền lực của ông ở trong và ngoài nước. Tổng thống Pháp đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức và ông cũng ngày càng nhận được ít sự ủng hộ sau khi kêu gọi bầu cử sớm nghị viện Pháp. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước quốc dân ngày 05/12, Tổng thống Macron khẳng định ông sẽ vẫn “hoàn toàn” nắm giữ cương vị nguyên thủ quốc gia Pháp cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027: "Người dân đã giao nhiệm vụ cho tôi một cách dân chủ. Và tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ 5 năm này một cách đầy đủ, cho tới cuối cùng. Trách nhiệm của tôi là đảm bảo “sự liên tục của nhà nước, hoạt động đúng đắn của thể chế và sự độc lập của đất nước và để bảo vệ tất cả các bạn".

Hiến pháp Pháp không yêu cầu tổng thống từ chức sau khi chính phủ mà ông bổ nhiệm sụp đổ. Trong khi đó, Pháp cũng không thể tiến hành bầu cử trước thời hạn ngay do nghị viện hiện tại của nước này phải tồn tại đến tháng 6/2025, đúng 1 năm sau cuộc bầu cử gần nhất.

Những hệ lụy từ bất ổn chính trị tại Pháp

Việc chính phủ Pháp sụp đổ sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ và tác động nghiêm trọng tới tình hình chính trị và kinh tế khu vực châu Âu bởi vị thế cường quốc của Pháp trong EU, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng của Khối như khí hậu, an ninh, kinh tế và cạnh tranh thương mại... Trước đó, nước láng giềng của Pháp là Đức cũng rơi vào tình trạng tương tự khi Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đứng trước nguy cơ giải thể, buộc nhà lãnh đạo Đức phải tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử bất thường vào đầu năm tới. Do đó, những vấn đề trong nước của cả Đức và Pháp, sẽ đẩy tương lai của liên minh này gặp nhiều thách thức trong thời gian tới trong bối cảnh EU vẫn phải tìm lời giải cho hai vấn đề quan trọng mang tính “sống còn” là kết thúc xung đột tại Ukraine và ứng phó với sự trở lại của Chính quyền Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Về kinh tế, tình trạng bất ổn tại Pháp sẽ lan rộng sang các quốc gia khác thuộc khu vực đồng euro. Đồng euro đã mất 0,5% giá trị so với đồng đô la Mỹ ngay sau khi chính phủ Thủ tướng Barnier sụp đổ và tiếp tục sẽ chịu áp lực giảm giá, không chỉ vì tình hình tại Pháp mà còn do các bất ổn chính trị tương tự ở Đức. Thị trường tài chính khu vực đồng euro đang đối mặt với rủi ro lớn hơn, đặc biệt khi các nhà đầu tư quốc tế đang và sẽ chuyển hướng sang các thị trường an toàn hơn như Mỹ với Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng chính sách mang tính bảo hộ “Nước Mỹ trên hết”.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác