PCA - Nền tảng quan trọng trong hợp tác Việt Nam - EU

(VOV5) - Phạm vi của PCA không chỉ ở lĩnh vực thương mại và hợp tác kinh tế, mà còn mở rộng sang cả những lĩnh vực khác, như môi trường, năng lượng, công nghệ, quản trị công hiệu quả...

Ngày 15/12, Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) về triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA) và các quốc gia thành viên diễn ra tại Hà Nội. Phiên họp diễn ra vào dịp hai bên kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU (28/11/1990 - 28/11/2020) và sau 4 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) có hiệu lực, nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - EU đi vào hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

PCA - Nền tảng quan trọng trong hợp tác Việt Nam - EU - ảnh 1

Phiên họp lần thứ 2 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - EU ngày 15/12/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), có hiệu lực từ ngày 1/10/2016. Phạm vi của PCA không chỉ ở lĩnh vực thương mại và hợp tác kinh tế, mà còn mở rộng sang cả những lĩnh vực khác, như môi trường, năng lượng, công nghệ, quản trị công hiệu quả, du lịch, văn hóa, di cư, an ninh, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức….

Sau hơn 4 năm đi vào triển khai thực hiện, PCA thực tế đã tạo nên một bước đột phá trong quan hệ giữa hai bên, thể hiện mối quan hệ phù hợp với xu thế hiện đại, cùng có lợi.

PCA - Nền tảng quan trọng trong hợp tác Việt Nam - EU - ảnh 2Phiên họp lần thứ 2 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - EU ngày 15/12/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao 

Tăng cường tổng thể hợp tác

Quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển vượt bậc trong ba thập kỷ qua. Đặc biệt, kể từ khi PCA đi vào triển khai tháng 10/2016, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển không chỉ về bề rộng mà còn cả chiều sâu với biểu hiện cụ thể là việc ký kết Hiệp định thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVFTA và EVIPA) năm 2019. Hơn một năm sau (tháng 8/2020),  EVFTA được đưa vào thực thi, đánh dấu một mốc mới trên chặng đường hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU, là một thông điệp tích cực về quyết tâm phát triển mối quan hệ hai bên của cả Việt Nam và EU.

EVFTA góp phần tạo "cú hích" mạnh mẽ cho đầu tư và kinh doanh của hai bên, tạo ra làn sóng đầu tư chất lượng cao từ cả hai phía. Với Việt Nam, việc triển khai EVFTA giúp mở rộng thị trường cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận với các thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao của EU, hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách, pháp luật theo hướng minh bạch, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang được thực hiện tích cực và bước đầu cho kết quả khả quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi hiệp định này được thực thi. Bên cạnh thủy sản thì gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU đã tăng so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra nhiều mặt hàng khác được nhận định sẽ có triển vọng lớn trong việc gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU thời gian tới”.

Khai thác tối đa những lợi ích song trùng

Trong giai đoạn tới, quan hệ Việt Nam - EU có xu hướng thuận lợi nhiều hơn do cả hai bên đều có nhu cầu thúc đẩy quan hệ song phương. Đặc biệt sau Hiệp ước Lisbon (hiệp ước quan trọng trong nhất thể hóa châu Âu), EU muốn tăng cường mạnh mẽ hơn nữa vị thế trên trường quốc tế, trong đó có việc đẩy mạnh quan hệ với châu Á. Việt Nam là đối tác hàng đầu của EU ở khu vực Đông Nam Á. Đối với Việt Nam, việc phát triển quan hệ với một đối tác đặc biệt gồm 27 thành viên như EU không chỉ phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam mà còn giúp Việt Nam cân bằng quan hệ với các nước lớn. Mối quan hệ này còn được củng cố bằng các mối quan hệ song phương, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước thành viên chủ chốt của EU.

Bên cạnh hợp tác song phương, trong 30 năm qua, hợp tác đa phương giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, vị thế quốc tế và khu vực của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đặc biệt là khi Việt Nam vừa hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020-2021. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và các nước, các đối tác EU đã và đang tăng cường các cơ chế trao đổi, phối hợp nhằm cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, giữ gìn hòa bình, an ninh trên quốc tế tại Châu Á -Thái Bình Dương cũng như ở Biển Đông, đảm bảo sự thượng tôn của luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Trên cơ sở những lợi ích song trùng, việc củng cố, tăng cường quan hệ Việt Nam - EU bình đẳng, đôi bên cùng có lợi là nhu cầu chiến lược của cả hai bên trong giai đoạn tới. Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA) tiếp tục là cơ sở quan trọng để quan hệ hợp tác Việt Nam - EU ngày càng phát triển theo chiều sâu và hiệu quả hơn nữa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác