Phấn đấu đạt mục tiêu 30 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020

(VOV5)-  Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Để đạt mục tiêu này cần có các chính sách để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Phấn đấu đạt mục tiêu 30 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020  - ảnh 1
Tham gia bảo hiểm xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội. ảnh minh họa (VOV)

Hiện nay, cả nước có 13 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 200 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Như vậy, con số mới chỉ là 13 triệu 200 nghìn người. Trong khi đó, đến năm 2020, dự báo lực lượng lao động của Việt Nam là 60 triệu người, nếu đặt mục tiêu 50% số người tham gia bảo hiểm xã hội thì con số này phải đạt tới 30 triệu người vào năm 2020. Từ 13 triệu lên 30 triệu người là một khoảng cách rất lớn.


Phương án thích hợp để mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội

Có nhiều phương án khác nhau để có thể điều chỉnh, mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội. Trong đó có những phương án như có thể tăng tuổi nghỉ hưu, có thể kết hợp tăng tuổi nghỉ hưu với điều chỉnh mức độ tích lũy, cải tiến các tham số khác....Cùng với đó, việc triển khai thực hiện tốt Luật bảo hiểm xã hội cũng là cách để tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Về điều này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: “Bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đối với khu vực có quan hệ lao động mà trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định những lao động nào có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì cũng đã phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hiện nay, khoảng 60% lực lượng lao động Việt Nam đang làm việc ở khu vực phi kết cấu, khu vực không có quan hệ lao động. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng nêu rõ sẽ thiết kế các chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.”


Khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội

Trong thời gian tới, có nhiều chính sách khuyến khích những người lao động trong khu vực phi kết cấu, những người không có quan hệ lao động có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khuyến khích những người có thể linh hoạt chuyển từ bảo hiểm xã hội bắt buộc và không còn hợp đồng lao động sang bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bảo Hiểm xã hội Việt Nam cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết thêm: “Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành lập và thực hiện nhiệm vụ thanh tra thu bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện chức năng thanh tra thu bảo hiểm xã hội.”


Thực tế cho thấy việc mở rộng Bảo hiểm xã hội tự nguyện có điều kiện thuận lợi là lượng “khách hàng tiềm năng” khá lớn (hơn 40 triệu người). Chính sách này cũng đã từng bước được hoàn thiện theo hướng “mở” về đối tượng tham gia, phương thức đóng, mức đóng cũng như chế độ hưởng... Mới đây, Chính phủ cũng đã có quy định về mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 10% đến 30% tùy đối tượng (chính sách này sẽ thực hiện từ đầu năm 2018).


Để chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn, mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội vào năm 2020 không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan Bảo hiểm xã hội một cách thường xuyên, hiệu quả góp phần hoàn thành mục tiêu này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác