Phối hợp hành động vì mục tiêu phát triển bền vững

(VOV5) - Việt Nam đã triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững. 

Nội dung quan trọng nhất của Hội nghị chuyên đề Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) khu vực châu Á – Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu – Hành động của các nhà lập pháp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, diễn ra ngày 11-12/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, là bàn các mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của các Nghị viện trong vấn đề này.

 

Phối hợp hành động vì mục tiêu phát triển bền vững - ảnh 1

Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tuyết Lê)


Ngày 11/5/2017, Hội nghị chuyên đề của Liên minh nghị viện thế giới (IPU) khu vực châu Á- Thái Bình Dương về 
“Ứng phó với biến đổi khí hậu- hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức, có các phiên thảo luận về ứng phó chống biến đổi khí hậu và công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện. Ngày 12/5/2017, các đại biểu tham dự Hội nghị khảo sát khu dân cư Cầu Dần Xây, nơi bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, tiến hành Lễ trồng cây và thăm rừng ngập mặn Cần Giờ, tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

 Quốc hội thúc đẩy gắn kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển 

Về mối liên quan giữa Nghị viện với thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Than cho rằng các nhà lập pháp có vai trò quan trọng trong xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm việc bảo đảm chính sách phát triển, đảm bảo sự tiến bộ về nhiều mặt luật pháp và thu hút sự tham gia của các bên trong tiến trình. Quốc hội Myanmar cam kết bảo đảm thực hiện các chương trình bền vững và thực hiện các mục tiêu phát triển. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội Việt Nam nhất trí cao với IPU về nội dung nghị sự của Hội nghị chuyên đề lần này.Việt Nam đã triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững. Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam được xây dựng trên quan điểm: Con người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Việt Nam đã tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; xây dựng kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương; lồng ghép các mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020.

Hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ môi trường

Về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó của các quốc gia khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đối với biến đổi khí hậu, hội nghị nhất trí cho rằng biến đổi khí hậu đang ngày càng gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người với cường độ và tần suất ngày càng nghiêm trọng, có thể dẫn đến giảm 5%-10% GDP toàn cầu. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu, thể hiện rõ nhất qua các hiện tượng thiên tai như bão lụt, các hiện tượng khí hậu bất thường ngày càng gia tăng về cường độ gây ảnh hưởng trực tiếp cho hàng trăm triệu người dân. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng là một cơ hội cho các quốc gia trong việc đoàn kết cùng triển khai các hoạt động giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu; thay đổi cơ bản về nhận thức và cách thức sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng và giảm tác hại của biến đổi khí hậu.Theo bà Anna Schreyoegg, Cố vấn Chính sách và Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), các nước tham gia Thỏa thuận Paris về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu nên tập trung mạnh mẽ vào việc triển khai mục tiêu giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu xuống 2 độ C, xây dựng kế hoạch thích ứng Quốc gia, xây dựng bộ khung tiêu chuẩn về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Cũng với nội dung này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Việt Nam, cho biết thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia, thực hiện các chương trình quốc tế về biến đổi khí hậu và hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu; tăng cường sử dụng công nghệ sạch, sản xuất nông nghiệp xanh... 

Phối hợp hành động vì mục tiêu phát triển bền vững - ảnh 2

Các đại biểu tại buổi khai mạc. Ảnh: TTXVN 

Nghị sỹ Cộng hòa Fiji, bà Namosimalua Veniana, nhấn mạnh rằng các nghị sỹ cần có những hành động mạnh mẽ để giảm thiểu biến đổi khí hậu, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, kết hợp các quy trình và thực hiện tốt chức năng giám sát các hoạt động hành pháp trong thực hiện pháp luật về biến đổi khí hậu. Các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương cũng phải có sự hợp tác chặt chẽ, cam kết rõ ràng trong hoạt động giảm thiểu biển đổi khí hậu, dành nhiều nguồn lực, nhân lực cho hoạt động giảm thiểu biến đổi khí hậu và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác