Quan hệ Nga - Mỹ: Nhân tố duy trì sự ổn định chiến lược

(VOV5) - Theo các chuyên gia, phần lớn các quốc gia châu Á sẽ được những tác động tích cực từ một quan hệ bớt căng thẳng hơn giữa hai cường quốc Mỹ và Nga.

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã kết thúc tuần qua tại Geneva (Thụy Sĩ).
Kết quả cuộc gặp đã được phân tích ở nhiều khía cạnh, song có một chi tiết khá bất ngờ đó là lãnh đạo hai nước ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược.
Điều này, được dư luận đánh giá là một diễn biến không chỉ giúp “phá băng” trong quan hệ song phương, mà còn góp phần duy trì sự ổn định chiến lược ở trên thế giới.

Quan hệ Nga - Mỹ: Nhân tố duy trì sự ổn định chiến lược - ảnh 1Tổng thống Biden và Tổng thống Putin tại Geneve, Thụy Sĩ vào ngày 16/6. Ảnh: AP

Quan hệ Nga - Mỹ đã bị suy giảm trong nhiều năm và hiện đang ở trong tình trạng rất xấu, theo đánh giá của cả hai bên. Các kênh tiếp xúc đã bị đình chỉ gần như trong toàn bộ các vấn đề phối hợp hành động song phương. Trong bối cảnh ấy, hai bên sẵn sàng đối thoại để đạt được sự ổn định chiến lược chính là một trong những kết quả đáng chú ý nhất của hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Geneva.

Xác lập một mối quan hệ ổn định hơn

Với tư cách là hai cường quốc thế giới, Nga và Mỹ có rất nhiều chủ đề đưa ra thảo luận, từ các vấn đề song phương đến các cuộc đàm phán đa phương, từ các cuộc xung đột khu vực đến các chủ đề an ninh quốc tế. 1 trong 3 vấn đề quan trọng mà hai bên đạt được nhất trí tại cuộc gặp lần này đó là cam kết duy trì sự ổn định chiến lược, sớm khởi động đối thoại toàn diện về ổn định chiến lược, nhất trí cử đại sứ của mình quay lại làm nhiệm vụ tại nước kia cũng như khởi động tham vấn giữa hai bộ Ngoại giao.

Có thể nói đạt được kết quả ngoài mong đợi này chính là vì hai nước đã tỏ thiện chí đối thoại. Đặc biệt, kể từ sau cuộc điện đàm giữa hai tổng thống hồi tháng 4 năm nay, hàng loạt các cuộc gặp giữa lãnh đạo các bộ ngành đã được tổ chức để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh mà hai bên đánh giá là “mang tính xây dựng” này. Việc các bên sẵn sàng lắng nghe quan điểm của nhau về các vấn đề còn những khác biệt là điểm khởi đầu tích cực, có thể tạo ra cơ hội cho các cuộc đối thoại tiếp theo về những giải pháp cụ thể hơn. 

Quan hệ Nga - Mỹ: Nhân tố duy trì sự ổn định chiến lược - ảnh 2Chính quyền Tổng thống Joe Biden tích cực tìm kiếm sự ủng hộ từ đồng minh, đối tác trong việc xử lý mối quan hệ với Nga. Ảnh: AP

Mặc dù Moscow và Washington vẫn chưa thể khôi phục lòng tin lẫn nhau, nhưng cả hai bên đều công nhận sự cần thiết phải có mối quan hệ hợp tác để ngăn chặn căng thẳng leo thang. Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng cùng với Mỹ nỗ lực đối thoại làm lành mạnh hóa quan hệ song phương, trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau.

Định hình trật tự thế giới

Dù không ưa nhau và luôn ở thế đối đầu, nhưng trước sự thay đổi nhanh chóng của cục diện thế giới, cả Nga và Mỹ một mặt đều phô trương lập trường cứng rắn, một mặt cũng bày tỏ thiện chí hợp tác với nhau để ứng phó với những thách thức mới nổi lên.

Khi Trung Quốc ngày càng vươn lên trở thành đối thủ của Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như ưu tiên hợp tác với Moscow trong lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung. Những chính sách cứng rắn với Nga vẫn còn đó, nhưng phần lớn chỉ còn mang tính biểu tượng. Những kết quả thực sự đã đạt được trong hợp tác song phương, như việc gia hạn hiệp định kiểm soát vũ khí New START, hay cuộc điện đàm sớm được tổ chức giữa lãnh đạo hai nước sau khi ông Biden nhậm chức, cũng như việc Mỹ không trừng phạt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang châu Âu…, tất cả hướng tới một mục tiêu mà Washington theo đuổi đó là xác lập mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn với Moscow. Sự kiện Tổng thống Mỹ J.Biden quyết định gặp tổng thống Nga Putin vào một thời điểm rất sớm trong nhiệm kỳ của ông cho thấy là ông có một cái nhìn mới mẻ về mối quan hệ với Nga, sẵn sàng ổn định măt trận này để tập trung vào thách thức lớn hơn nhiều đến từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Nga cũng sẽ không tìm cách đối đầu với Washington, thay vào đó Moscow sẽ tận dụng tối đa những đòn bẩy mà mình có, khai thác cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ-Trung để thu được lợi ích kinh tế cho mình, duy trì vị trí của nước này trong thế cục giữa bộ ba Mỹ-Trung-Nga.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, phần lớn các quốc gia châu Á sẽ được những tác động tích cực từ một quan hệ bớt căng thẳng hơn giữa hai cường quốc Mỹ và Nga. Trật tự đa phương trong khu vực sẽ được đảm bảo hơn khi cả Nga và Mỹ xoay trục sang châu Á. Một quan hệ tốt đẹp hơn giữa Washington và Moscow có thể sẽ tạo thuận lợi cho Đông Nam Á trong việc kìm hãm một Bắc Kinh ngày càng hung hăng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác