Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc và những bước phát triển thần kỳ

(VOV5) - Hợp tác kinh tế là một trụ cột chính trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc. Trên đà mối quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc đang phát triển rất tốt đẹp, chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc lên một tầm cao mới.

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc và những bước phát triển thần kỳ - ảnh 1

Thủ tướng đến Busan, bắt đầu chương trình tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc

Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này là chuyến thăm sau 7 năm của Thủ tướng Việt Nam đến Hàn Quốc, có ý nghĩa quan trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Hàn Quốc trong tình hình mới, đặc biệt khi Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc với nhiều thành tựu nổi bật

Nước CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Trải qua gần 30 năm, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng với hai lần nâng cấp từ quan hệ “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” (năm 2002) lên quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” (năm 2009). Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã có những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực như chính trị, đầu tư, thương mại và du lịch. Việt Nam coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, trong khi Hàn Quốc cũng đặt Việt Nam là đối tác trọng điểm trong chính sách Hướng Nam mới của mình. Việc trao đổi thường xuyên đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, đã cho thấy sự tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng được củng cố.

Hợp tác kinh tế là một trụ cột chính trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc. Hàn Quốc luôn dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, với sự góp mặt của hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, đứng thứ hai về hỗ trợ phát triển chính thức, thứ ba về hợp tác thương mại, du lịch với Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại thứ tư của Hàn Quốc với kim ngạch 2019 ước đạt 67 tỷ USD (chiếm 40% tổng kim ngạch ASEAN-Hàn Quốc). Hai nước đang đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2022. Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch… cũng phát triển hết sức mạnh mẽ.

Đặc biệt, giao lưu nhân dân Việt Nam-Hàn Quốc là trụ cột nổi bật trong quan hệ song phương. Vào thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao gần 30 năm trước, khó có thể hình dung được mức độ gắn bó, gần gũi giữa nhân dân hai nước như hiện nay với khoảng 4 triệu lượt người qua lại trong một năm và trên 1.000 chuyến bay hàng tháng giữa hai nước. Khoảng 200.000 công dân mỗi nước đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ của nhau, bao gồm cả khoảng 65.000 gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Thành công của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên trưởng Park Hang Seo đã truyền cảm hứng rất lớn đến người dân hai nước, góp phần vun đắp cho mối quan hệ bền chặt Việt Nam - Hàn Quốc. Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước thời gian gần đây, hai bên đều khẳng định mối quan hệ Việt-Hàn đang ở mức rất tốt và như "anh em trong một nhà". 

Mối quan hệ hướng tới tương lai

Trên tinh thần hướng tới tương lai và tôn trọng lẫn nhau vì sự phát triển vững chắc của quan hệ song phương, mở rộng và làm sâu sắc, hiệu quả hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam -Hàn Quốc trên các lĩnh vực, là nhiệm vụ đặt ra cho cả hai quốc gia.

Hàn Quốc hiện là nước phát triển với năng lực mạnh mẽ về vốn, khoa học công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đang cần một thị trường trẻ, rộng lớn để tiếp tục đà phát triển. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đang cải cách, năng động, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam là một điểm đến thích hợp với cơ cấu dân số vàng (gần 100 triệu người, 70% đang ở độ tuổi 15-64), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD; được các tổ chức đánh giá tín dụng uy tín của quốc tế đánh giá tích cực. Việt Nam hiện cũng là thành viên của nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, bao gồm cả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sâu rộng, toàn diện hơn. Đây là những lợi thế để hai nước mở rộng hợp tác đầu tư. Hợp tác của doanh nghiệp và giao lưu nhân dân chính là cầu nối vững chắc cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, hai nước cần tiếp tục chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, tăng cường trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, để giải quyết tốt các thách thức mang tính toàn cầu, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải của khu vực cũng như trên thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong bức tranh tổng thể đó, chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là sự kiện quan trọng, góp phần đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc lên một tầm cao mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác