RCEP - Cục diện mới cho thương mại khu vực và quốc tế

(VOV5) - Với 15 thành viên, RCEP là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao.

Ngày 15/11, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, dưới sự chủ trì của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác, gồm  Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán. Khi được ký kết và đi vào thực thi, RECP được đánh giá sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới và cú hích mới cho thương mại khu vực và quốc tế.

RCEP - Cục diện mới cho thương mại khu vực và quốc tế - ảnh 1 Các nước đối tác tham gia ký RCEP- Ảnh:baodautu.vn

Với 15 thành viên, RCEP là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao. Bên cạnh các điều khoản cụ thể, các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, Hiệp định RCEP còn bao gồm các chương về Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của Chính phủ.

FTA lớn nhất thế giới và hy vọng sức bật mới

Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2012 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Hồi tháng 11/2019, Ấn Độ đã chính thức rút khỏi RCEP do một số vấn đề chưa được giải quyết. Dự kiến, khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Vì vậy, nhiều đánh giá cho rằng RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới, mang nhiều ý nghĩa. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: Ý nghĩa đầu tiên, đó là Hiệp định này mang tính biểu tượng lớn về tiến trình liên kết tự do hóa thương mại đầu tư ở khu vực. ASEAN và các đối tác vẫn tiếp tục khẳng định tiến trình tự do hóa thương mại đầu tư là tất yếu dù khó khăn. Ý nghĩa thứ hai đây là FTA lớn nhất thế giới ở thời điểm này và ASEAN giữ vai trò trung tâm trong việc đề ra các sáng kiến trong việc xây dựng các cấu trúc. Bên cạnh đó, RCEP còn có hình hài của tiến trình liên kết ở ASEAN, vừa tự do hóa gắn với hợp tác.

RCEP - Cục diện mới cho thương mại khu vực và quốc tế - ảnh 2Tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký Hiệp định RCEP- Ảnh:baodautu.vn

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Hiệp định RCEP được coi là động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế bởi vì xét trên nhiều yếu tố. Thứ nhất, RCEP là FTA duy nhất hội tụ đa dạng, không đồng nhất từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm cả các nền kinh tế kém phát triển, thu nhập thấp cũng như thu nhập cao và thu nhập trung bình.

Thứ hai, ASEAN là trung tâm của RCEP. Trong khi các thành viên không thuộc ASEAN của RCEP được kết nối với ASEAN thông qua các FTA ASEAN + 1 và trong tương lai, RCEP có thể sẽ thay thế tất cả các FTA ASEAN+1. Riêng với Trung Quốc, RCEP là triển vọng sáng sủa vì hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Khi RCEP được thực thi, thương mại và đầu tư giữa ASEAN - Trung Quốc sẽ tăng nhanh và ảnh hưởng tích cực đến chuỗi giá trị khu vực.

Thứ ba, RCEP có phạm vi mở rộng hơn. So với các FTA ASEAN + 1, thì RCEP có khả năng tiếp cận lớn hơn nhiều. Không chỉ cắt giảm mạnh thuế gần 90%, RCEP cũng quy định rõ ràng hơn về thương mại dịch vụ và đầu tư nước ngoài xuyên biên giới, nhiều quy tắc mới về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các nước thành viên RCEP đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều quốc gia RCEP có dân số trẻ. Đây là những điều kiện và yếu tố thuận lợi để thương mại ASEAN và các đối tác bên ngoài tăng trưởng.

RCEP – dấu ấn đặc biệt của Việt Nam và ASEAN năm 2020

Năm 2020 là năm khó khăn cho Việt Nam với vai trò Chủ tọa luân phiên của Hiệp định RCEP. Xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nước khiến cho tất cả các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do đều gặp phải các vấn đề nhất định. Đồng thời, bối cảnh địa chính trị trong khu vực cũng có nhiều thay đổi, trong đó nổi bật là việc định hình lại quan hệ địa chính trị trong khu vực và giữa các nước lớn chưa diễn ra xong. Chưa kể đến dịch COVID-19 kéo dài đã làm đảo lộn lịch đàm phán trong RCEP cũng như khiến các nước khó khăn hơn rất nhiều trong việc đưa ra thêm bất cứ cam kết nào trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN để đạt được thành quả là việc ký kết Hiệp định RCEP. Niềm tự hào này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 khẳng định: Việc ký kết RCEP sau nhiều năm đàm phán là niềm tự hào, là thành quả to lớn của các nước ASEAN, với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới, mang tính toàn diện, lâu dài hướng tới tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực.

Dự kiến, RCEP sẽ chính thức có hiệu lực sau khi có 6 quốc gia ASEAN cùng với 3 quốc gia trong số 5 quốc gia còn lại phê chuẩn. Việc đàm phán thành công và ký kết RCEP đã góp phần tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững. Với Việt Nam, thông qua ký kết RCEP, Việt Nam cùng ASEAN đã đóng góp tiếng nói của mình vào việc định hình cho các cơ chế hợp tác mới cũng như luật chơi của khu vực, tăng cường vị thế của đất nước cũng như duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác