Rối ren bủa vây chính trường Libya

(VOV5) - Những gì diễn ra 9 năm qua cho thấy xe tăng và đại bác không thể là giải pháp dành cho cuộc khủng hoảng Libya

Tình hình Libya gia tăng căng thẳng trong những ngày gần đây. 9 năm qua, kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, quốc gia châu Phi này chìm trong sự chia rẽ giữa các phe phái do các lực lượng bên ngoài hậu thuẫn. Một giải pháp hòa bình cho Libya được nhắc lại nhiều lần trong các cuộc đàm phán, thương lượng song, có lẽ còn rất lâu, người dân Libya mới được sống trong hòa bình và làm chủ đất nước.     rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi do phương Tây tiến hành. Những gì diễn ra 9 năm qua cho thấy xe tăng và đại bác không thể là giải pháp dành cho cuộc khủng hoảng Libya

Căng thẳng do nhân tố bên ngoài

Tại Libya đang tồn tại 2 chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) ủng hộ và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Và đến tháng 7/2020, căng thẳng leo thang chưa từng thấy khi nguy cơ đối đầu quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập ở Libya ngày càng hiện hữu.

Rối ren bủa vây chính trường Libya  - ảnh 1 Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sát cánh cùng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya ở Tripoli. (Nguồn: Anadolu)

Hiện, GNA, với sự hỗ trợ của Ankara, đang mở rộng tầm kiểm soát ở hầu hết các khu vực ở Tây Bắc Libya vốn trước đó do LNA chiếm giữ, đồng thời đẩy lui cuộc tấn công nhằm đánh chiếm thủ đô Tripoli của LNA. GNA cũng tuyên bố sẽ tấn công và giành lại quyền kiểm soát Sirte (cửa ngõ dẫn đến các mỏ dầu phía Đông của Libya) và căn cứ không quân Jufra. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa hàng nghìn lính từ Syria tới Libya để hỗ trợ GNA. Động thái này được cho là “giọt nước làm tràn ly” khiến giới chức Cairo hết sức quan ngại. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã cảnh báo rằng Cairo có quyền hợp pháp trong việc can thiệp vào tình hình Libya, đồng thời nhấn mạnh Sirte và Al-Jufra là “ranh giới đỏ” đối với an ninh quốc gia của Ai Cập.

Và ngày 20/7 vừa qua, Quốc hội Ai Cập đã nhất trí thông qua việc ủy quyền cho Tổng thống điều động các lực lượng vũ trang nước này thực hiện các nhiệm vụ tác chiến ở bên ngoài biên giới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Theo Tổng thống Ai Cập, sự can thiệp của nước này vào Libya nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Ai Cập, Libya và cả khu vực, đặc biệt đảm bảo an ninh khu vực biên giới phía Tây của nước này, đồng thời khôi phục sự ổn định ở Libya.

Rối ren bủa vây chính trường Libya  - ảnh 2 Lực lượng ủng hộ Chính phủ do LHQ bảo trợ tại khu vực Qasr bin Ghashir, phía Nam Tripoli, Libya ngày 4/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MGK) thì tái khẳng định quyết tâm ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ở Tripoli, cam kết “sát cánh với nhân dân Libya, chống lại mọi hành động bạo ngược", và Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ không do dự triển khai những bước đi cần thiết”. Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ dường như để ngỏ khả năng đối đầu trực tiếp với Ai Cập.

Kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng  

Cuộc xung đột tại Libya rõ ràng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn với sự can dự của các lực lượng bên ngoài. Trong bối cảnh này, đại diện của Liên Hợp Quốc đã liên lạc với các bên liên quan bởi thông điệp nhất quán của Liên Hợp Quốc đối với tất cả các phe phái ở Libya, kể cả trong và ngoài nước, là không thể có giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng Libya và không thể có lựa chọn nào khác ngoài giải pháp chính trị.

Trong khi đó, lần đầu tiên 3 nước châu Âu là Đức, Pháp, Italy đe dọa sẽ trừng phạt các bên liên quan ở Libya nếu những hành động vi phạm lệnh cấm vận trên biển, trên mặt đất hay trên không tiếp diễn. Các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Italy kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Libya cùng những lực lượng nước ngoài hậu thuẫn ngay lập tức ngừng giao tranh và chấm dứt tình trạng leo thang quân sự hiện nay.  

Nga kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức và đình chỉ mọi hoạt động giao tranh ở Libya” để khởi động một cuộc đối thoại chính trị toàn quốc nhằm chấm dứt khủng hoảng.

Suốt 9 năm qua, tình hình Libya vẫn rối ren, không lối thoát. Căng thẳng càng gia tăng hơn trong những ngày tháng 7 này. Tuy bên nào cũng khẳng định một giải pháp hòa bình là điều cần thiết để giải quyết cuộc xung đột ở Libya. Song trong khi người dân mòn mỏi trông đợi thì các phe phái và những lực lượng nước ngoài hậu thuẫn lại vẫn mải miết chạy theo lợi ích riêng.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác