Tầm nhìn và chiến lược đột phá của Việt Nam về cách mạng công nghiệp 4.0

(VOV5) - Hiện Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 với nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh

Diễn đàn cấp cao: Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Sự kiện lần này phục vụ cho đề án, phương hướng hành động và chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Tầm nhìn và chiến lược đột phá của Việt Nam về cách mạng công nghiệp 4.0 - ảnh 1Thủ tướng đối thoại tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Nếu như tại Diễn đàn năm ngoái, câu chuyện 4.0 chỉ là sự gợi mở, khai phá thì tại Diễn đàn năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể hoá được chính sách cho từng ngành, nhóm ngành trong cuộc cách mạng này. Vì thế, ngoài phiên Diễn đàn cấp cao, trong khuôn khổ sự kiện có 5 hội thảo chuyên đề góp phần hóa giải những vấn đề trọng tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm: Những xu hướng lớn của cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam; Đô thị thông minh; Phát triển sản xuất thông minh; Nông nghiệp thông minh; Bước tiến mới trong ngành tài chính – ngân hàng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc

Trước sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển công nghệ thông tin, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Trước thềm Diễn đàn cấp cao: “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không những nhà nước, doanh nghiệp mà cả người dân đều phải có nhận thức tốt hơn để áp dụng kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0, từ xây dựng chính phủ điện tử đến thành phố thông minh. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực tốt hơn nữa cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: "Ứng dụng, áp dụng, ứng phó, ngăn chặn những tác động tiêu cực để phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn, tạo cơ hội cho phép với tư cách một nước đi sau có thể nhanh chóng rút ngắn được khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến. Đây là vấn đề chúng tôi suy nghĩ đặt ra, mong các chuyên gia, các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiến bước trong cuộc cách mạng trên toàn cầu này. Chính vì vậy, Việt Nam đặt ra một yêu cầu là thu hút tốt hơn nữa các chuyên gia, các nhà khoa học, các loại hình doanh nghiệp quốc tế và trong nước để cùng tiến bước trong cuộc cách mạng 4.0".

Tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi của công nghiệp 4.0

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Từ quan điểm đó, Thủ tướng chỉ ra một số nội dung trọng tâm cần thực hiện khi triển khai cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là: "Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh. Xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò “hạ tầng của hạ tầng” cho nền kinh tế số. Tập trung đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu, Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức". 

Về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 với nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.Việt Nam bước đầu đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0 như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy, kết nối internet vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Việt Nam đang hình thành hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp, một điều kiện quan trọng để ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và cũng đã có nhiều doanh nghiệp toàn cầu, là những nhân tố quan trọng để tiếp thu kinh nghiệm thế giới, đẩy mạnh thực hiện công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Đến nay, đa số các dịch vụ công của Việt Nam đã chuyển sang trực tuyến (với tỷ lệ 88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác