Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản

(VOV5) -Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, là nhà cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 29/5 bắt đầu thăm cấp Nhà nước Nhật Bản. Chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả hai bên, là dịp để lãnh đạo hai nước bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ  giữa Việt Nam và Nhật Bản, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng lên một giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh hai nước đã thiết lập mối quan hệ bang giao được 45 năm.

Chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ ngày 29/5 đến ngày 2/6/2018, diễn ra trong bối cảnh hai nước đang có nhiều hoạt động để tổ chức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018). Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước, nhân dân hai nước cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hai nước trong suốt 45 năm qua, bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ  giữa Việt Nam và Nhật Bản, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng lên một giai đoạn phát triển mới.

Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản - ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đức Quang phát biểu với báo giới trước thềm chuyến thăm 

Còn nhiều triển vọng hợp tác Việt Nam-Nhật Bản

Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Tính đến thời điểm này, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất và đối tác thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đối tác thứ ba về du lịch và đối tác thứ tư về thương mại.

Hiện nay, quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, trong thời gian tới quan hệ hai nước có rất nhiều triển vọng để phát triển. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Bởi, thứ nhất, quan hệ hai nước trong 45 năm qua là nền tảng rất quan trọng để tiếp tục phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

Thứ hai, xuất phát từ nhu cầu lợi ích của mỗi bên. Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện, một cách đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành một nước phát triển công nghiệp hiện đại. Nhật Bản có vai trò quan trọng trong đường lối phát triển đó của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thứ ba, một nền tảng mới cho quan hệ hai nước là Việt Nam và Nhật Bản cùng nhau tích cực và đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự kiến, bắt đầu từ năm 2019, Hiệp định này sẽ có hiệu lực, mở ra triển vọng mạnh mẽ hơn nữa cho 2 nước hợp tác với nhau trong những năm tới.

Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản - ảnh 2Quốc kỳ hai nước Nhật Bản, Việt Nam 

Bên cạnh đó, cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản đang rất phát triển. Họ đã và đang đóng vai trò là cầu nối rất tốt cho quan hệ hai nước. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết: "Rất nhiều hội, đoàn khác nhau của người Việt theo hướng ngày càng liên kết với nhau, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để cùng làm ăn, sinh sống tại Nhật Bản và có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Việt Nam cũng như đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản. Đại sứ quán luôn luôn là một ngôi nhà để tập hợp lại tất cả những lực lượng người Việt Nam, những Hội Đoàn Việt Nam.

Hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương

Không chỉ hợp tác trong khuôn khổ song phương, Việt Nam và Nhật Bản còn hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Hội đồng nhân quyền... Việt Nam ủng hộ Nhật Bản vào Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2016-2017) và cam kết tiếp tục ủng hộ Nhật Bản làm Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này được mở rộng. Đặ biệt trong vấn đề Biển Đông. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định: "Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ rất nhiều lợi ích chiến lược song trùng. Chúng ta và Nhật Bản có rất nhiều quan điểm rất gần nhau trong vấn đề Biển Đông.  Chúng ta đánh giá cao lập trường nhất quán của Nhật Bản ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Cả hai bên đều chủ trương, những vấn đề tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình, không đe dọa, không sử dụng vũ lực dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển 1982."

Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu, hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe và gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Quốc hội, đại diện các giới chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa… về phương hướng và các biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, trong đó chú trọng tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Hai bên cũng trao đổi về sự phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ giữ vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021.

Trên cơ sở mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp như vậy, chuyến thăm là dấu mốc mới đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác