Thế giới giải bài toán khó về công bằng vaccine

(VOV5) - Các nhà lãnh đạo thế giới đồng ý phân bổ 650 tỷ USD từ SDR do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lập ra, để giúp các quốc gia có nhu cầu ứng phó đại dịch lớn nhất và phục hồi kinh tế chậm nhất.

Hơn 1 năm rưỡi qua, đại dịch COVID-19 hoành hành trên phạm vi toàn cầu với những biến thể virus nguy hiểm và khó lường.

Những tưởng vaccine ngừa COVID-19 ra đời sẽ là liều thuốc giúp nhanh chóng dập tắt đại dịch, thế nhưng việc thế giới sử dụng vaccine chưa hợp lý, thiếu công bằng đã dẫn tới đại dịch chưa thể chấm dứt trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã làm lộ sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa các quốc gia và bài toán về công bằng vaccine thực sự là khó giải.

Thế giới giải bài toán khó về công bằng vaccine - ảnh 1 Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Câu chuyện vaccine và phân bổ vaccine công bằng đã trở thành tâm điểm tranh cãi giữa các quốc gia suốt gần 1 năm qua. Thực tế đang chứng kiến sự bất bình đẳng vaccine, giữa thiểu số là các quốc gia phát triển, giàu có với đa số là các nước nghèo, đang phát triển tập trung nhiều ở châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á hay châu Mỹ Latin. Đại dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục khoét sâu sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận vaccine, giữa các nước giàu và nước nghèo.

Bất bình đẳng vaccine toàn cầu

Sự bất bình đẳng toàn cầu trong việc phân bổ vaccine mới đây đã được Tổng Giám đốc WHO đưa ra. Hiện mới có 1% dân số ở những quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Trong khi một số quốc gia giàu có nhất đang cân nhắc việc tiêm mũi thứ ba (liều nhắc lại) cho người dân, thì các nhân viên y tế, người cao tuổi và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác ở phần còn lại của thế giới vẫn chưa được tiếp cận vaccine.

Thế giới giải bài toán khó về công bằng vaccine - ảnh 2Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ảnh: AFP/TTXVN

Nguyên nhân dẫn đến hố sâu vaccine quá lớn như vậy xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc vaccine. Các nước giàu có đã tiêm hơn một nửa tổng số liều vaccine được sản xuất trên toàn thế giới cho đến nay. Rõ ràng, nhận thức về đại dịch COVID-19 ngay từ đầu đã không đi đúng hướng khi các quốc gia giàu chỉ chăm chăm tập trung phát triển vaccine cho nhu cầu trong nước mà bỏ qua thực tế sẽ không quốc gia nào có thể an toàn cho tới khi tất cả được an toàn.

Vì vậy, để ngăn tình trạng bất bình đẳng vaccine, sáng kiến COVAX ra đời dưới sự dẫn dắt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI) cùng Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI), nhằm đảm bảo mọi quốc gia đều được tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19, bất kể tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, COVAX  không có đủ ngân sách để đảm bảo các hợp đồng cung cấp vaccine. Thêm vào đó, không tập đoàn dược phẩm nào đồng ý chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine, ngay cả khi được trả tiền.

Nỗ lực hợp tác đảm bảo công bằng vaccine

Trước thực trạng này, hồi đầu tháng 6/2021, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia nghèo hơn. Các nhà lãnh đạo thế giới cũng đồng ý phân bổ 650 tỷ USD từ SDR (Quỹ dự trữ toàn cầu) do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lập ra, để giúp các quốc gia có nhu cầu ứng phó đại dịch lớn nhất và phục hồi kinh tế chậm nhất. Nguồn kinh phí này nhằm mục tiêu triển khai tiêm chủng cho 70% dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2022.

Trước đó, ba tổ chức lớn là Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, Tổ chức Thương mại thế giới - WTO và Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO đã họp và thống nhất thiết lập một nền tảng trợ giúp kỹ thuật chung nhằm giúp các nước có nhu cầu về công nghệ y học, đặc biệt là công nghệ chẩn đoán, điều trị COVID-19, kêu gọi một thỏa thuận từ bỏ bản quyền vaccine. Ngày 4/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi một số quốc gia tạm đình chỉ việc tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường cho đến ít nhất là cuối tháng 9, đồng thời cảnh báo các quốc gia nghèo hơn đang bị tụt lại phía sau.

Rõ ràng, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta trên phạm vi toàn cầu hiện nay cho thấy việc tạo miễn dịch trong một cộng đồng nhỏ sẽ không đạt hiệu quả lâu bền, nhất là khi virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi. Những biến thể mới có thể kháng các loại vaccine đang có, khiến công cuộc chống dịch rất có thể phải “bắt đầu lại từ đầu”. Trong bối cảnh đó, cuộc chiến chống "kẻ thù chung" rất cần sự đồng lòng và đoàn kết của cả cộng đồng quốc tế, mà lần này là trong vấn đề phân phối công bằng vaccine, bởi các biến thể của virus SARS-CoV-2 không bỏ qua bất kỳ một quốc gia nào. Không ai được an toàn chỉ khi tất cả cùng an toàn!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác