Thế giới tăng cường nỗ lực chống kỳ thị người gốc Á

(VOV5) - Trong lịch sử từng chứng kiến những vụ thảm sát hay những vụ tấn công người Châu Á.

Trước tình trạng bạo lực gia tăng nhằm vào người gốc châu Á, trên thế giới, nhất là tại Mỹ gần đây đã hình thành nhiều tổ chức, phong trào bảo vệ người gốc châu Á. Các hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi sự đoàn kết, chung tay lên án và ngăn chặn những hành động kỳ thị, thù hận nhằm vào người gốc châu Á nói riêng và các sắc tộc nói chung.

Người dân gốc Á cũng như gốc Phi đã và đang là mục tiêu của sự kỳ thị ở nhiều quốc gia. Trong lịch sử từng chứng kiến những vụ thảm sát hay những vụ tấn công người Châu Á. Thời gian gần đây, sự bùng phát dịch COVID-19 gây ra những lập luận tiêu cực, đổ lỗi về nguồn gốc gây bệnh từ Châu Á, càng làm gia tăng nguy cơ người gốc châu Á bị phân biệt đối xử. 

Thế giới tăng cường nỗ lực chống kỳ thị người gốc Á - ảnh 1Người dân giơ các biểu ngữ phản đối thù hận nhằm vào người gốc Á tại Atlanta. Ảnh AP

Kỳ thị không chỉ riêng ở Mỹ

Các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào cá nhân người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% ở 16 thành phố lớn của Mỹ trong năm 2020, đặc biệt là ở Los Angeles và New York, những nơi có đông người gốc Á sinh sống. Theo báo cáo mới nhất vừa được công bố, kể từ tháng 3/2020 đến hết tháng 2/2021, đã có gần 3.800 vụ tấn công nhằm vào nhóm người này được ghi nhận ở 48/50 bang của Mỹ.

Không chỉ riêng ở Mỹ, thống kê tại nhiều quốc gia, báo cáo về tội ác liên quan sự thù hận nhằm vào người Đông Á và Đông Nam Á đều gia tăng khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Các hành vi phân biệt chủng tộc và bài ngoại đa dạng, từ xa lánh, xúc phạm bằng lời nói đến hành hung.

Tại Anh, số liệu của cảnh sát London cho thấy có hơn 200 vụ phạm tội do thù hận chống lại người gốc Đông Á diễn ra trong khoảng quý 3/2020 đã tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều người gốc Á cho biết họ bị hành hung và bị chế nhạo là "virus Trung Quốc". Một cuộc khảo sát ý kiến hồi tháng 11/2020 cho thấy, có tới 3/4 người gốc Hoa ở Anh từng phải hứng chịu những hành vi phân biệt chủng tộc.

Theo báo cáo của Chính phủ Tây Ban Nha, 2,9% công dân châu Á sống ở nước này là nạn nhân của các tội ác do thù hận. Ở Pháp, các nhà vận động chiến dịch cảnh báo đại dịch đã khiến cho nạn phân biệt đối xử nhằm vào người gốc Á càng trở nên tồi tệ. Ước tính, trong năm 2019, cứ hai ngày lại có một vụ phạm tội thù hận nhằm vào người châu Á chỉ tính riêng ở khu vực Paris.  

Ở Australia, báo cáo hồi tháng 3/2021 của Viện Nghiên cứu Lowy cho thấy, hơn 1/3 số người Australia gốc Hoa cảm thấy họ bị đối xử khác biệt hoặc ít thuận lợi hơn trong năm qua. Có tới 18% số người được khảo sát phản ánh bị đe dọa hoặc tấn công vì gốc gác Trung Quốc của mình.

Thế giới tăng cường nỗ lực chống kỳ thị người gốc Á - ảnh 2Cảnh sát phong tỏa bên ngoài hiện trường vụ xả súng ở Thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ) vào ngày 16/3. Ảnh: AP.

Nỗ lực ngăn chặn phân biệt chủng tộc

Sau vụ xả súng ở Atlanta hồi đầu tháng 3/2021 khiến 8 người thiệt mạng, trong đó 6 phụ nữ gốc Á, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố không thể im lặng trước tình trạng bạo lực gia tăng đối với người Mỹ gốc châu Á. Những cuộc tấn công này là sai trái, không phải là của người Mỹ và phải chấm dứt. Ông Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật về Tội ác thù hận đại dịch COVID-19, hỗ trợ chính quyền tiểu bang và địa phương cải thiện việc báo cáo tội phạm thù hận và đảm bảo rằng thông tin về tội ác thù hận dễ tiếp cận hơn đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á. Ở các địa phương nơi tập trung đông người Mỹ gốc Á, cảnh sát đã tăng cường sự hiện diện và tuần tra để răn đe và ngăn chặn kịp thời những hành động tội ác này.

Ngoài các hành động từ phía chính quyền, trên toàn nước Mỹ cũng đã hình thành nhiều tổ chức, phong trào bảo vệ người gốc châu Á nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi sự đoàn kết, chung tay lên án và ngăn chặn những hành động kỳ thị, thù hận nhằm vào người gốc châu Á nói riêng và các sắc tộc nói chung.

Tại Châu Âu, các nhà hoạt động ở Tây Ban Nha và Pháp phát động các chiến dịch như "Tôi không phải virus" (I Am Not A Virus), nhằm nâng cao nhận thức về xu hướng gia tăng bạo lực chống người châu Á. Tại Canada, nhiều người biểu tình cũng tập trung bên ngoài Bảo tàng nhân quyền Canada ở tỉnh Manitoba, giơ cao những biểu ngữ “Dừng thù ghét người gốc Á”, hay “Ngừng thù hận và bắt đầu yêu thương”...

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Atonia Guterres mới đây kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu chống nạn phân biệt chủng tộc và các hành vi tấn công khác vi phạm nhân quyền. Những nỗ lực này nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi sự đoàn kết, chung tay lên án và ngăn chặn những hành động kỳ thị, thù hận nhằm vào người gốc châu Á nói riêng và các sắc tộc nói chung, trên phạm vi toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác