Thỏa thuận hòa bình lịch sử Israel-UAE và tác động cục diện địa chính trị tại Trung Đông

(VOV5) - Với thực tế này, cục diện địa chính trị tại Trung Đông sau thỏa thuận hòa bình Israel-UAE, vẫn được đánh giá là rất khó đoán định kết quả.

Dưới sự trung gian của Mỹ, tuần qua, Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) và Israel thông báo đã đạt được một thỏa thuận lịch sử hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao.

Theo đó, UAE trở thành quốc gia Vùng Vịnh đầu tiên và là nước Arab thứ 3 bình thường hóa quan hệ với Israel, sau Ai Cập (năm 1979) và Jordan (năm 1994). Với với ý nghĩa đặc biệt này, sự kiện được dự báo có thể dẫn tới những thay đổi to lớn trong cục diện địa chính trị tại khu vực Trung Đông trong tương lai.     

Thỏa thuận hòa bình lịch sử Israel-UAE và tác động cục diện địa chính trị tại Trung Đông - ảnh 1Tổng thống Trump tuyên bố bình thường hóa quan hệ Israel - UAE tại Nhà Trắng ngày 13/8. (Ảnh: Whitehouse.gov) 

Theo các thông tin chính thức, một trong những nội dung quan trọng trong thỏa thuận là việc Israel cam kết cam kết đình chỉ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ thuộc Palestine vào nước này. Bên cạnh đó, Chính phủ UAE khẳng định, thỏa thuận nhằm giải quyết mối đe dọa đối với giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Palestine-Israel. Nhiều quốc gia khu vực và thế giới đã lập tức lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận, coi đó là bước đi quan trọng có lợi cho nền hòa bình khu vực. Ngược lại, một số quốc gia đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ, coi đó là một diễn biến nguy hiểm đối với cục diện khu vực.  

Theo giới phân tích, sự chia rẽ quan điểm quốc tế trong vấn đề này phản ánh đúng bản chất cục diện địa chính trị phức tạp tại Trung Đông. Tuy nhiên, cho dù quan điểm của các bên có như thế nào thì việc đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-UAE vẫn được đánh giá là một sự kiện lịch sử, một bước khởi đầu cho những thay đổi to lớn tại khu vực.

Kỳ vọng

Trong những phản ứng gần như tức thì sau khi Chính quyền Mỹ thông báo về việc Israel và UAE đạt được thỏa thuận hôm 13/8, một loạt quốc gia như Nga, Đức, Nhật Bản, Nga, Ai Cập, Bahrain và Oman đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ "là một đóng góp quan trọng cho nền hòa bình trong khu vực", trong khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi bày tỏ tin tưởng thỏa thuận sẽ đem lại hòa bình cho Trung Đông, còn Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cho rằng thỏa thuận Israel-UAE sẽ góp phần  bình thường hóa tình hình khu vực vốn đã vô cùng trầm trọng.

Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định thỏa thuận có thể thúc đẩy hòa bình và an ninh tại Trung Đông.

Theo giới phân tích, thỏa thuận nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của cộng đồng quốc tế là bởi ngoài tác động làm giảm mức độ căng thẳng ngoại giao hiện hữu giữa thế giới Arab và Israel, nó còn được kỳ vọng có thể kích thích, mở đường cho một loạt các thỏa thuận tương tự giữa các quốc gia Arab khác với Israel trong tương lai. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, không ít ý kiến lại bày tỏ sự lo ngại rằng, sự kiện này có thể dẫn tới những cục diện không mong muốn cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Thỏa thuận hòa bình lịch sử Israel-UAE và tác động cục diện địa chính trị tại Trung Đông - ảnh 2 Quang cảnh khu định cư Do thái Givat Zeev của Israel ở Bờ Tây ngày 10/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cục diện khó đoán định

Trong một tuyên bố ngày 16/8, Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri cảnh báo rằng “Nếu điều gì đó xảy ra ở Vịnh Persia và nếu an ninh quốc gia của Iran bị tổn hại, dù nhỏ, Iran sẽ bắt UAE phải chịu trách nhiệm về điều đó và Iran sẽ không dung thứ". Trong khi đó, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRG) của Iran cực lực chỉ trích thỏa thuận, cho rằng đây là một thỏa thuận có sự can thiệp của Mỹ, sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Trung Đông, đồng thời mang tới "một tương lai nguy hiểm" cho UAE.

Theo giới phân tích, phản ứng của Iran là điều dễ hiểu, bởi dưới góc nhìn của Tehran, thỏa thuận hòa bình Israel-UAE còn được xem là một chiến thắng cho các nỗ lực cô lập Iran do Mỹ cầm chịch. Để bảo vệ lợi ích của mình, Iran được cho là sẽ ra sức tập hợp lực lượng đối phó, đẩy cuộc đối đầu giữa Iran với Mỹ và đồng minh tại khu vực, lên cao trong thời gian tới.

Và không chỉ riêng Iran, thỏa thuận còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của một số quốc gia khác, trong đó đáng chú ý là Chính quyền Palestine. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nabil Abu Rudeineh khẳng định giới chức Palestine lên án thỏa thuận này, coi đây là một "sự phản bội đối với Jerusalem, Al-Aqsa và sự nghiệp của Palestine". Về phần mình, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố bày tỏ "vô cùng lo ngại rằng UAE, thông qua hành động đơn phương, sẽ đặt dấu chấm hết cho Sáng kiến Hòa bình Arab do Liên đoàn Arab đề xuất và được Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ủng hộ".

Với thực tế này, cục diện địa chính trị tại Trung Đông sau thỏa thuận hòa bình Israel-UAE, vẫn được đánh giá là rất khó đoán định kết quả.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác