Thu hút FDI của Việt Nam bắt nhịp xu hướng phục hồi kinh tế

(VOV5) -  Tính đến hết 11/2022, nguồn vốn đăng ký mới vào Việt Nam tăng 23%; giải ngân đạt gần 20 tỷ USD, tăng trên 15% so với cùng kỳ.

Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới, lạm phát diễn ra trên toàn cầu, nhưng niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục tăng lên.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Thu hút FDI của Việt Nam bắt nhịp xu hướng phục hồi kinh tế - ảnh 1

Doanh nghiệp FDI và niềm tin vào sự phục hồi của Việt Nam

Ngay từ tháng 3 năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy tín hiệu rất khả quan về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Các nhà đầu tư vốn là đối tác lâu năm của châu Âu, Mỹ đang tìm thêm các điểm đến đầu tư lâu dài và an toàn. Vị thế thương mại với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết đang giúp kết nối giữa Việt Nam với khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và toàn cầu là một lợi thế cạnh tranh. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số và lượng vốn này tập trung vào những dự án chất lượng cao, hướng đến phát triển bền vững từ các tập đoàn lớn như Apple, Lego, Samsung. Các dự án quy mô lớn chất lượng đang dần thay thế các dự án nhỏ. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho biết: "Trong cơ cấu vốn đầu tư các dự án, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nghiệp điện điện tử ngày càng tăng, chiếm gần 60 % đặc biệt là năm nay xuất hiện nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực và hệ sinh thái của sản xuất chất bán dẫn, làm cho dòng vốn đầu tư nước ngoài của chúng ta ngày càng chất lượng hơn".

Thu hút FDI của Việt Nam bắt nhịp xu hướng phục hồi kinh tế - ảnh 2Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: doanhnghiephoinhap.vn

Với góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, khẳng định: "Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn. Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong 2 hoặc 3 năm tới và sẽ chứng tỏ được vị thế của mình là một trong các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt sau những cam kết và định hướng rõ ràng của Việt Nam từ Hội nghị COP 26 về thu hút đầu tư chất lượng cao, tăng trưởng xanh, Việt Nam đang trên hành trình hướng tới hiện thực hóa cam kết đi đôi với hành động, tạo môi trường thuận lợi cả về pháp lý và tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chuyển giao công nghệ. Theo tôi, Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao và năm nay sẽ đạt mức kỷ lục".

Tính đến hết tháng 11/2022, tổng số vốn FDI thực hiện tại Việt Nam lại tăng trên 15 % và vốn đăng ký tăng trên 23% so với cùng kỳ, đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Ông Niels Christiansen, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO, cho rằng: "Nhà máy tại Việt Nam này là nhà máy thứ 6 của chúng tôi và cũng là nhà máy trung hoà các bon đầu tiên. Nhà máy này sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng của chúng tôi với vai trò ngang hàng với 5 nhà máy còn lại và chúng tôi sẽ cung cấp tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cho khách hàng toàn khu vực Đông Nam Á. Sự phục hồi kinh tế của Việt nam sau đại dịch đã tạo niềm tin cho chúng tôi phát triển lâu dài tại Việt Nam”.

Việt Nam nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Dự báo tình hình kinh tế của Việt nam còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới khó đoán định, nhưng về dài hạn, Việt Nam được các Tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đánh giá vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, bởi đây là địa bàn quan trọng mà các nước hướng tới để thực hiện các hoạt động chế biến, chế tạo cung cấp cho thị trường khu vực ASEAN và thế giới. Bà Virgina B. Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham in Vietnam), cho rằng: "Đây là thời điểm mà Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả đối với nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn về nhân lực, logisstic và an toàn dịch bệnh. Dịch COVID 19 đang định hình địa điểm đầu tư, do vậy nhà đầu tư lựa chọn điểm đến không chỉ là môi trường kinh doanh hấp dẫn, chi phí nhân công thấp, mà còn là khả năng hấp thụ công nghệ và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Những quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ Việt Nam đã tạo niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp FDI. Bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê, cho rằng: "Thu hút đầu tư nước ngoài là gam màu sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam và lợi thế về vốn, ổn định kinh tế chính trị vĩ mô, thị trường nhân lực trẻ, kiểm soát hiệu quả dịch Covid19, cũng là thị  trường luôn thường xuyên có những giải pháp cải thiện thị trường đầu tư kinh doanh……Việt Nam sẽ tiếp tục là thỏi nam châm thu hút đầu tư".

Để nâng cao chất lượng các dự án FDI, Việt Nam đã nỗ lực đổi mới các hoạt động, từ xúc tiến đầu tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, khuyến khích đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài, kết nối với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác