Tiếp tục đổi mới, phát huy dân chủ, trí tuệ trong quá trình thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

(VOV5) - 5 vấn đề để Trung ương thảo luận, cho ý kiến, trong đó đặc biệt là xem xét tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 

Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã chính thức khai mạc ngày 3/10 và diễn ra trong 9 ngày, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng của đất nước.

Tiếp tục đổi mới, phát huy dân chủ, trí tuệ trong quá trình thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước - ảnh 1Sáng 3/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trọng Phú/ VOV

Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở 5 vấn đề để Trung ương thảo luận, cho ý kiến, trong đó đặc biệt là xem xét tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023.

Phân tích về những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Hội nghị làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, dự báo những khả năng sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023, với tinh thần thật sự công tâm, khách quan, khoa học, toàn diện. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Sắp tới chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi cho phát triển. Trong lĩnh vực tiền tệ, giá cả, thương mại và đầu tư, tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế nước ta, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Chúng ta vừa phải tiếp tục ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, vừa phải đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, yếu kém và những khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế. Áp lực lạm phát, lãi suất, tỉ giá và nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới vẫn là thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta".

Tiếp tục đổi mới, phát huy dân chủ, trí tuệ trong quá trình thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước - ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Trọng Phú/ VOV

Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đây là nhiệm vụ lần đầu tiên chúng ta làm, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước hiện đang rất mong đợi. Vì vậy, đề nghị cần tập trung nghiên cứu thật kỹ các tài liệu, thảo luận những vấn đề nêu trong Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ, tạo sự thống nhất cao đối với dự thảo Kết luận của Trung ương về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, góp phần thiết thực cho việc lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói riêng và các quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước nói chung".

Liên quan đến việc cho ý kiến vào Đề án tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong 35 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây, mặc dù quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Do đó, Tổng Bí thư đề nghị, xuất phát từ thực tiễn, thảo luận, cần đánh giá một cách khách quan, khoa học về việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian qua, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được triển khai thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về nội dung tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: "Đây là vấn đề rất cơ bản, rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đề nghị hội nghị nghiên cứu thật kỹ, tập trung thảo luận làm rõ, mục tiêu và những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt và triển khai thực hiện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chú ý đến việc hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống pháp luật, vận hành thông suốt, thống nhất bộ máy nhà nước và các lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, liêm chính".

Cuối cùng một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng CSVN đã đề ra sẽ được Trung ương thảo luận cho ý kiến tại hội nghị lần này là việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Hội nghị tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X và những quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác