Tính thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội

(VOV5) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội thực sự mang tính nhân văn và nhân đạo, thực sự vì lợi ích của nhân dân.

Năm nay Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bản Di chúc, Người nhấn mạnh Đảng phải có chủ trương, chính sách, kế hoạch thật tốt để chăm sóc đời sống của nhân dân. Tư tưởng này đã được Người bày tỏ ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng và là nền tảng cho các chính sách về lao động và an sinh xã hội của Chính phủ Việt Nam qua các thời kỳ. Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội tiếp tục được kế thừa và phát huy bởi tư tưởng ấy vẫn mang tính thời đại sâu sắc.

Tính thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội - ảnh 1Ảnh minh họa. - Nguồn: dangcongsan.vn

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội thực sự mang tính nhân văn và nhân đạo, thực sự vì lợi ích của nhân dân. Hiếm có một chính phủ nào lại có sự chăm lo từ rất sớm và nhất quán lợi ích thiết thực của công dân, nhân dân lao động như Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tính thời đại

Ngay từ năm 1919, trong bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Hòa bình Paris, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đòi quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam, trong đó có quyền được “tự do hội họp và quyền được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp”.

Quốc dân đại hội Tân Trào của Tổng bộ Việt Minh họp vào tháng 8/1945 cùng với việc tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh, đã thông qua 1 loạt chính sách then chốt, trong đó có chính sách việc làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt chế độ bảo hiểm xã hội.

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, ngay trong phiên họp của hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, chính phủ đã thông qua chính sách tín dụng vi mô cho nông dân, chống nạn mù chữ và hỗ trợ người dân. Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tiếp tục đặt ra nền tảng cho các chính sách lao động và xã hội khi ban hành Sắc lệnh số 29 năm 1947 quy định về giao dịch luật làm công giữa giới chủ và người làm công. Sắc lệnh có những điều khoản rất tiến bộ về bảo vệ lao động trẻ em, đào tạo nghề, tiền lương tối thiểu, thanh tra lao động...Chính Sắc lệnh này đã đặt nền tảng cho những nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Lao động ngày nay.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: "Di sản của tư tưởng Hồ Chí Minh là vô cùng phong phú sâu sắc và toàn diện. Những nội dung trong chính sách lao động và an sinh xã hội của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, thể hiện ở những điểm cơ bản như: đảm bảo quyền tự do, quyền làm chủ của người dân; việc làm, giáo dục nghề nghiệp và nâng cao trình độ cho người lao động; là tiền lương và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; là đảm bảo an toàn lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định...Những nội dung này cũng chính là những tiêu chuẩn lao động quốc tế ngày nay".

Đặc biệt, Sắc lệnh số 29 năm 1947 còn mang tư tưởng vượt thời đại khi công nhận đầy đủ quyền của người lao động được tự do hội họp, quyền thương lượng tập thể và bãi công…Sắc lệnh này thậm chí ra đời trước khi Tổ chức lao động quốc tế (ILO) ban hành các công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước 98 năm 1949) và Công ước về quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội (Công ước 87 năm 1948). Ngày nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua công ước 98 (tháng 6/2019) và dự kiến thông qua công ước 87 năm 2023.

Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam ông Chang - Hee Lee cho rằng: "Hai công ước này có sự tương đồng với những ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1919 cũng như trong pháp luật và quy định mà Người xây dựng năm 1947 và sau khi giành được độc lập. Giờ đây ý tưởng đó cũng phù hợp với Nghị quyết TW số 27 năm 2018 về chính sách tiền lương".

Phát huy tư tưởng của Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội

Kế thừa và phát huy tư tưởng của Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội, cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, hàng thập kỷ qua, Việt Nam đã đề ra những phương hướng, nhiệm vụ về giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Trong xu thế Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội sẽ tiếp tục được triển khai phù hợp với nguyên tắc phát triển bao trùm bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: "Phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm thỏa đáng, bền vững luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển bền vững với con người là trung tâm và không ai bị đứng ngoài, bị bỏ lại phía sau".

Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Việc Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên cải thiện chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện việc làm tốt hơn cho người lao động chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội đồng thời cho thấy tư tưởng nhân văn của Người vẫn có giá trị thời đại sâu sắc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác