Tự hào thương hiệu quốc gia Việt Nam

(VOV5) - Năm 2020, có 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

 Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020. Đánh giá này thêm một lần nữa khẳng định, thương hiệu Việt Nam đang có vị trí vững chắc trên thị trường toàn cầu.

Brand Finance nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2020 đã tăng 29% so với năm 2019, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Tự hào thương hiệu quốc gia Việt Nam - ảnh 1Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020. Ảnh:  thuonghieucongluan.vn

Khẳng định thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế

Thực tế, uy tín của những sản phẩm "made in Vietnam" vốn đã được khẳng định trên thị trường quốc tế những năm qua, lại càng được nâng lên trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Đơn cử, trong giai đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy bởi Covid-19, một doanh nghiệp nhỏ của ngành khuôn mẫu ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được số đơn hàng tăng 200% từ Mỹ, doanh nghiệp vốn trước kia chỉ đặt hàng tại Trung Quốc. Tương tự, một doanh nghiệp dệt may lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng sản xuất khẩu trang kháng khuẩn xuất đi Mỹ, châu Âu và Israel khi Việt Nam trở thành điểm sáng chống dịch. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất khác cũng nhận được các đơn hàng sản xuất các sản phẩm được coi là thế mạnh của mình như đồ gỗ ngoại thất, đồ chơi trẻ em, cần câu cá, dụng cụ thể thao... với số lượng tăng gấp 3, gấp 4 lần bình thường, nhờ năng lực và uy tín đã được biết đến rộng rãi.

Tự hào thương hiệu quốc gia Việt Nam - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Ảnh:  thuonghieucongluan.vn

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia cho rằng: “Các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia đã khẳng định vị thế vững chắc hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình, duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu dù hoàn cảnh còn gặp không ít khó khăn và thách thức trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Qua đó, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới, xây dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia”.

Năm 2020, có 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Như vậy, đều đặn qua các năm, số lượng doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc liên tục gia tăng, cho thấy sự đi lên của các doanh nghiệp mang tính bền vững, cốt lõi. Đây là kết quả xứng đáng khi ý thức cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp được nâng lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế trên thị trường thông qua 3 tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”.

Ông Nguyễn Nhật Vũ – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist), một trong những đơn vị nhận giải thưởng Thương hiệu quốc gia năm 2020, khẳng định:

“Thương hiệu được xem là chìa khóa để cạnh tranh thành công trong kinh doanh, đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 như hiện nay, một nhà văn nổi tiếng người Mỹ có câu “một sản phẩm có thể bị lỗi thời nhanh chóng nhưng một thương hiệu thành công sẽ sống mãi với thời gian”, bởi vậy Dalattourist luôn luôn chú trọng tập trung tất cả các nguồn lực để tập trung phát triển thương hiệu này. Đây là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa của Dalattourist đến với thị trường quốc tế.”

Tự hào thương hiệu quốc gia Việt Nam - ảnh 3Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với 124 lãnh đạo doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2020. Ảnh: VOV

Nắm bắt cơ hội, không ngừng vươn lên

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, giúp duy trì động lực nền kinh tế trong bối cảnh suy giảm chung của khu vực và toàn cầu. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam:

“Chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu và định vị thương hiệu của Việt Nam, định vị thương hiệu của ngành, lĩnh vực sản xuất các sản phẩm chủ yếu của chúng ta trong tương lai năm tới ra sao, 5 năm tới ra sao và cùng bàn kế hoạch để làm sao đạt được mục tiêu định vị mà chúng ta hướng tới”.

Tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung tiếp tục phát huy vai trò tiên phong đối mới sáng tạo trong hội nhập quốc tế, xứng đáng là động lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước:

Tôi đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục giữ gìn phát huy văn hóa doanh nhân Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển của Đất nước bằng bàn tay khối óc của mình đóng góp nhiều hơn nữa cho Đất nước. Trên tinh thần này tôi xin chúc Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục có các cơ chế chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp xứng đáng với vị thế uy tín vai trò của Việt Nam mà chúng ta cố gắng thực hiện trong thời gian vừa qua”.

Kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, với tiềm lực và quyết tâm vươn lên của Chính phủ và doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục được củng cố, đóng góp thiết thực vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác