Tương lai chính trị Ukraine sau bầu cử quốc hội

(VOV5) - Trong bối cảnh hiện nay, liệu ông P.Poroshenko có khả năng xây dựng một lực lượng hậu thuẫn đủ sức mạnh để thực thi các chính sách của mình hay không là câu hỏi khó có lời giải.


Sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa VIII tại Ukraine với chiến thắng thuộc về các đảng theo xu hướng thân phương Tây, Ukraine đang khẩn trương đàm phán về việc thành lập một chính phủ liên minh. Tuy nhiên, những bất đồng trong nội bộ Ukraine cùng sự gia tăng các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy ở miền Đông đang là những lực cản đối với các nhà lãnh đạo nước này trong việc thực thi những cam kết đầy tham vọng về hòa bình và mở rộng quan hệ với Liên minh Châu Âu.

Tương lai chính trị Ukraine sau bầu cử quốc hội - ảnh 1
Một địa điểm bỏ phiếu tại Ukraine sáng 26/10.

Ngay sau khi các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc ôn hòa và các đảng thân phương Tây giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 26/10, công việc đầy khó khăn là xây dựng một liên minh cầm quyền đã được bắt đầu. Với 98,4 % tổng số phiếu bầu đã được kiểm, Đảng Mặt trận nhân dân của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk giành được 22,17% phiếu bầu và đang dẫn trước Khối Poroshenko của đương kim Tổng thống Petro Poroshenko với 21,82% phiếu.

Khó cân bằng lợi ích phe phái trong chính phủ mới
Sau bầu cử, nhiều người hy vọng rằng hai đảng này sẽ cùng hợp tác trong chính phủ mới và ông Yatsenyuk tiếp tục giữ vị trí Thủ tướng. Để đảm bảo chiếm được đa số ghế tại Quốc hội, hai khối đảng này chắc chắn phải cần đến đảng “Tự giúp đỡ”, đảng giành vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử. Thế nhưng, trong một động thái bất ngờ, ngày 29/10, Thủ tướng A.Yatsenyuk thừa nhận muốn tiếp tục làm thủ tướng, song lại phản đối thỏa thuận liên minh mà trước đó Khối Poroshenko của đương kim Tổng thống P.Poroshenko đề xuất, thay vào đó, Thủ tướng Yatsenyuk đưa ra kế hoạch riêng khi đề nghị liên minh với các đảng khác giành được số phiếu ở vị trí kế tiếp. Điểu này cho thấy một thực tế mặc dù các đảng phái ủng hộ việc xích lại gần châu Âu giành thắng lợi, nhưng để thành lập một chính phủ mới trong đó cân bằng lợi ích giữa các phe phái, giữa các đảng không phải là vấn đề đơn giản.

Mâu thuẫn chính trị giữa các phe phái trong nội bộ Kiev vẫn đang gay gắt. Đường lối chủ hòa, hòa hợp, hòa giải dân tộc với việc tích cực vận động đàm phán với những người ly khai của Tổng thống P. Poroshenko lại không nhận được sự đồng tình của phe chủ chiến mà đại diện là Thủ tướng Yatsenyuk. Ngay sau kết quả bầu cử, ông Yatsenyuk tuyên bố chính phủ mới cần nhanh chóng giải quyết vấn đề với những kẻ khủng bố ở miền Đông, phải tiếp tục chiến đấu vì đất nước. Trong khi ông P. Poroshenko đang cố gắng xây dựng hình ảnh một chính trị gia theo quan điểm trung dung, ủng hộ cải cách vì dân sinh và có khả năng hàn gắn những chia rẽ trong xã hội Ukraine, thì các cộng sự chính trị của ông P.Poroshenko lại cáo buộc ông không quyết liệt trong chiến dịch quân sự chống lại lực lượng nổi dậy.

Tương lai nào đang chờ đợi Ukraine?
Trong bối cảnh hiện nay, liệu ông P.Poroshenko có khả năng xây dựng một lực lượng hậu thuẫn đủ sức mạnh để thực thi các chính sách của mình hay không là câu hỏi khó có lời giải. Vấn đề miền Đông dường như không thể tìm ra giải pháp. Chỉ vài giờ sau cuộc bầu cử, các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai tại miền đông lại nổ ra khiến hàng chục dân thường đổ máu. Nhiều vụ bắn phá cũng liên tục xảy ra tại một số thành phố do chính phủ kiểm soát. Bên cạnh đó, ngày 2/11 tới, khoảng 4 triệu cử tri ở các vùng ly khai cũng tự tổ chức bầu cử cho mình, một động thái khẳng định họ không muốn liên quan gì đến chính quyền trung ương, không muốn chịu sự kiểm soát của chính phủ thân phương Tây. Bản thân hai thành phố Donetsk và Lugansk khẳng định sẽ nói “không” với đàm phán hiệp định ngừng bắn và sẽ giành lại các vùng bị quân chính phủ chiếm giữ. Điều này cho thấy, dù chính quyền của Tổng thống P.Poroshenko có thiện chí hòa giải đi nữa thì cũng khó đem lại kết quả khả quan.

Một vấn đề khác đó là năng lượng. Làm sao đảm bảo được nguồn năng lượng khi mùa đông lạnh giá đang dần đến đang là thách thức lớn nhất với ông P.Poroshenko. Câu hỏi về nguồn kinh phí trả nợ cho Nga để tiếp tục nhận được nguồn năng lượng khí đốt đến nay vẫn chưa có đáp án. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách cạn kiệt, lạm phát tăng cao, sự phân hóa giầu nghèo trong xã hội ngày một gia tăng, khiến tương lai phía trước Ukraine vô cùng ảm đạm. Sự khó khăn về kinh tế đang phủ lên người dân nước này một tâm lý bất ổn và bàng quan. Chính vì vậy, họ chẳng trông chờ nhiều vào sự thay đổi nào khá hơn sau bầu cử. Bất ổn chính trị, nguy cơ bạo loạn, thiếu năng lượng, đói rét và một nền kinh tế sắp phá sản là những gì Ukraine đang đối mặt.

Trong lúc này, Ukraine cần thành lập một liên minh chính trị để vãn hồi hòa bình và tiến hành cải cách sâu rộng, nhằm đưa đất nước ra khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng. Nhưng với những diễn biến hiện tại cho thấy khó có bước đột phá nào giúp xoay chuyển tình hình đất nước đang chìm trong khủng hoảng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác