Vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường, vượt khó

(VOV5) - Tỉnh Bến Tre đang tập trung thi công các đập tạm nhằm ngăn nước mặn trên sông Hàm Luông đổ vào khu vực Trạm bơm hút nước Cái Cỏ.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua tình trạng hạn mặn khốc liệt, được cho là vượt cả mốc lịch sử năm 2016. Nhiều địa phương đã công bố tình huống khẩn cấp và tập trung ứng phó. Trước thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát huy vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, càng khó khăn, khắc nghiệt thì càng mạnh mẽ để tiến lên. 

Vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường, vượt khó - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau) về hạn hán, xâm nhập mặn. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Từ ngày 7 đến 15/3, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long dự đoán đạt đỉnh khi nước mặn vào sâu 100 - 110 km trong đất liền. Tình trạng thiếu nước ngọt, nhiễm mặn ảnh hưởng đến cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân.

Cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những tác động tài nguyên nước là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên.

Tập trung với quyết tâm cao nhất

Xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao ở đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị của Thủ tướng về giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giảm thiệt hại hơn nữa cho sản xuất, ổn định đời sống.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn nước thượng nguồn sông Mekong, nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long để thông tin kịp thời tới các cấp, các ngành. Phối hợp với địa phương đánh giá hiện trạng nguồn nước trên địa bàn để cân đối nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Không để hộ nào có nguy cơ thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo, gia đình chính sách.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Qua mùa khô hạn, mặn, khắc nghiệt của năm nay có thể rút ra phương châm, một vấn đề khó, thậm chí rất khó, nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và giành thắng lợi. Cho nên vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc chúng ta vượt khó, càng khó khăn thì càng mạnh mẽ và tiến lên. Dân tộc Việt Nam, ý chí của Việt Nam là như thế và Việt Nam đã làm được điều đó một phần rất quan trọng ở vùng đất nhiều tiềm năng và đối mặt với khắc nghiệt của thiên nhiên này”.

Nhấn mạnh tinh thần tự lực tự cường của chính quyền các cấp là rất quan trọng, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ, tìm nguồn lực phát triển, Thủ tướng cho rằng: “Nghiên cứu xây dựng một số hồ chứa nước ngọt trong vùng rất cần thiết. Làm một số hồ chứa nước ngọt quy mô nào, vị trí nào phải được xác định, nhất là ở Bến Tre, An Giang và một số công trình khác. Các công trình này phải cứu cụ thể để chúng ta chuẩn bị cho giai đoạn 2021 – 2025”.

Tinh thần vượt khó của các địa phương

Trước tình hình khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, sẻ chia của người dân trong phân phối, sử dụng nguồn nước ngọt dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu đang trong giai đoạn sinh trưởng.

Tỉnh Bến Tre đang tập trung thi công các đập tạm nhằm ngăn nước mặn trên sông Hàm Luông đổ vào khu vực Trạm bơm hút nước Cái Cỏ (xã Quới Thành, huyện Châu Thành) của Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bến Tre. Giải pháp này nhằm “cứu” hàng trăm ngàn hộ dân, hàng ngàn doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế... thuộc 2 huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Thành phố Bến Tre.

Tại tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Giám đốc công ty TNHH một thành viên cấp thoát nước Kiên Giang cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo điều tiết hệ thống cống nước ngọt hoàn chỉnh hơn, hai nữa là đã có những giếng khoan dự phòng để phục vụ trong mùa hạn mặn, đây là kế hoạch đã chuẩn bị từ trước để đảm bảo nguồn nước cấp cho Thành phố Rạch Giá. Bên cạnh đó cũng khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm”.

Cùng với chính quyền, nhân dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có bước chuyển nhận thức rất rõ, coi hạn mặn là một thực tế phải đối mặt, để cùng với chính quyền có giải pháp thích ứng bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dự trữ nước ngọt…

Ông Phẩm Văn Tiếu (Vĩnh Long) cho biết, nhờ có hệ thống thủy lợi của Nhà nước cùng với sự chủ động của gia đình nên ông chủ động được nguồn nước tưới tiêu: “Tôi dự trữ khoảng 4 cái mương khoảng hơn 100 khối, tôi tưới được khoảng 4-5 lần. Nước mặn trước khi tưới lên phải kiểm tra. Mặc dù dự trữ cũng phải kiểm tra vì cống của mình không biết bị rò rỉ gì hay không. Phun trên bông thì mình kiểm tra thường xuyên vì mình dự trữ rồi không sợ nhiễm mặn nữa”.

Sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng sự chủ động, tinh thần kiên cường, vượt khó của các địa phương và người dân chính là vaccine hiệu quả nhất để đồng bằng sông Cửu Long vượt qua hạn mặn khốc liệt năm 2020.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác