Việt Nam – Liên hợp quốc: dấu ấn 40 năm hợp tác

(VOV5) - Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Năm 2017 đánh dấu 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977), dấu mốc cho sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất, mở ra thời kỳ Việt Nam bước vào hội nhập quốc tế. 40 năm qua, sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc (LHQ) trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ cũng như về vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Việt Nam – Liên hợp quốc: dấu ấn 40 năm hợp tác - ảnh 1 Việt Nam ngày càng tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc. Ảnh: toquoc

Hợp tác giữa LHQ và Việt Nam trong 40 năm qua diễn ra trên nhiều lĩnh vực và đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn phát triển. Phát biểu nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ (29 - 31/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh người dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự hỗ trợ quý báu của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh, phát triển và đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.

Những dấu ấn hợp tác

Ngay sau khi gia nhập LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Trong giai đoạn 1977 -1986, các tổ chức của LHQ đã giúp Việt Nam đầu tư các hạng mục phát triển xã hội, tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình. Hợp tác với LHQ đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Đồng thời trong bối cảnh bao vây cấm vận, hợp tác với LHQ tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, những khoản viện trợ không hoàn lại của LHQ cho Việt Nam là nguồn hỗ trợ đáng kể giúp Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển. Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, LHQ chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hành chính công, luật pháp, lập kế hoạch đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác phòng chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ....

Tuy tổng số tiền viện trợ của LHQ dành cho Việt Nam trong thời gian qua chỉ hơn 2 tỉ USD nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn vì LHQ tập trung hỗ trợ nhiều lĩnh vực thiết yếu về phát triển kinh tế, xây dựng thể chế, pháp luật, giải quyết nhiều vấn đề xã hội cấp bách.

Là thành viên có trách nhiệm của LHQ

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cở sở để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hoà bình, an ninh quốc tế. Việt Nam cũng tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm Vũ khí Hoá học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ Quân bị (CD) năm 1996. Kể từ 01/01/2014, Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016). Ông Nguyễn Trung Thành, nguyên Thành viên Nhóm Làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, cho biết: “Chúng ta được đề nghị đóng vai trò khá quan trọng trong hội đồng nhân quyền, tôi cho rằng đó là sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Nó cho chúng ta những kinh nghiệm rất tốt, không những đóng góp vào phát triển, đổi mới trong nước, tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở trong nước cũng như sự tương tác với thế giới để làm tốt công tác này, đóng góp vai trò chủ động và tích cực như tinh thần của nhà nước ta chỉ đạo trong việc trở thành 1 nước Việt Nam là bạn, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển LHQ mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này. Mô hình hợp tác 3 bên đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam - Nam. Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức phát triển LHQ thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021. Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trực của LHQ tại Việt Nam từ 2012 đến 2016, đánh giá:Việt Nam đã hoạt động rất tích cực và ngày càng hội nhập sâu vào các hoạt động của LHQ. Việt Nam tham gia vào Hội đồng nhân quyền LHQ, là thành viên của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình tại Sudan và thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình. Tôi nghĩ đó là minh chứng cho sự hợp tác ngày càng toàn diện hơn giữa LHQ và Việt Nam”.

Dựa trên thành quả hợp tác 40 năm qua, 5 năm tới, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng đến người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương; đảm bảo thích ứng với Biến đổi Khí hậu và phát triển môi trường bền vững; thúc đẩy sự thịnh vượng và quan hệ đối tác....

Những thành quả hợp tác giữa Việt Nam và LHQ 40 năm qua trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ, tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của 2 bên trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương, hỗ trợ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác