Việt Nam sẽ có nhiều sáng kiến và ưu tiên trong trụ cột kinh tế ASEAN

(VOV5) - 4 nội dung chính về hội nhập kinh tế nội khối đang được các nước ASEAN rất quan tâm trong năm 2020. 

Trong năm chủ tịch ASEAN 2020, bên cạnh các mục tiêu đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN,  Việt Nam sẽ có nhiều sáng kiến cũng như ưu tiên để thúc đẩy trụ cột kinh tế, coi đây là trụ cột cơ bản, nhằm thúc đẩy liên kết và kết nối, đưa ASEAN trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế hàng đầu thế giới.

4 nội dung chính về hội nhập kinh tế nội khối đang được các nước ASEAN rất quan tâm trong năm 2020. Đó là giữa kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong khu vực đang có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, khó đoán định; Xây dựng chiến lược tổng hợp của ASEAN trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghiên cứu cơ sở về Hệ thống quản lý văn bản quy phạm pháp luật trong ASEAN và đặc biệt là các ưu tiên trong trụ cột kinh tế của ASEAN trong năm 2020 do Việt Nam đề xuất.

Việt Nam sẽ có nhiều sáng kiến và ưu tiên trong trụ cột kinh tế ASEAN - ảnh 1 Ảnh minh hoạ: tapchitaichinh.vn

Các nước ASEAN đang xem xét và đánh giá cao các đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến các các ưu tiên trong trụ cột kinh tế của ASEAN trong năm 2020 và coi đây là cơ sở để thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực kinh tế.

Hội nhập kinh tế ASEAN là nền tảng

Các sáng kiến và ưu tiên về xây dựng trụ cột kinh tế ASEAN trong năm Chủ tịch 2020 sẽ thể hiện vai trò chủ động và tích cực của Việt Nam, đồng thời thể hiện quan điểm nhất quán của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, coi ASEAN là ưu tiên trọng tâm hàng đầu. Năm 1996, khi Việt Nam mới tham gia Khối thương mại tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD, nhưng đến nay, con số này đã tăng tới hơn 10 lần, khoảng trên 60 tỷ USD. Đánh giá tầm quan trọng của hội nhập kinh tế ASEAN trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Hợp tác của chúng ta với ASEAN là những bước đi đầu tiên. Dư địa cho của Việt Nam trong tiếp cận với kinh tế của khu vực và các khu vực khác trên thế giới thông qua vai trò của ASEAN được khẳng định mạnh mẽ. Chính sự hợp tác của Việt Nam với ASEAN trong tất cả các lĩnh vực, khía cạnh, trong đó lấy kinh tế là trụ cột quan trọng đã đưa lại vị thế rất quan trọng cho Việt Nam như hiện nay, cả về chính trị, đối ngoại cũng như kinh tế.

Hội nhập kinh tế ASEAN không chỉ đem lại những cơ hội tăng cường thúc đẩy hợp tác thương mại thế giới, mà còn đóng góp tích cực và có ý nghĩa cho việc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền, trên nền tảng của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những định hướng ưu tiên cụ thể

Với hai nội hàm trong chủ đề của năm 2020 thì Việt Nam cũng đã có định hướng những mục tiêu ưu tiên cụ thể. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, thương mại đơn phương đang đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó có cả những khuôn khổ của khối AFTA, vấn đề làm sao tăng cường khả năng thích ứng của ASEAN, tăng cường kết nối trong khởi nghiệp sáng tạo, trong thương mại điện tử, phá bỏ những rào cản tự do hóa thương mại… là những trọng tâm ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Tất cả những thách thức hiện nay đòi hỏi chúng ta phải có một vai trò của Chủ tịch ASEAN đủ sức nắm bắt, điều hành để cùng với các nước ASEAN khẳng định lại một lần nữa ở mức độ mới, cục diện mới, với sự kết nối, sự liên kết. Phải làm sao đảm bảo khả năng thích ứng và chống chọi với những diễn biến mới và tiếp tục tạo ra những sức sống mới cho ASEAN, cũng như cho các khuôn khổ hợp tác của ASEAN và các đối tác.

Với tư cách là Chủ tịch của ASEAN 2020, năm nay Việt Nam có khoảng 16 - 17 sáng kiến triển khai trên tất cả những lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ… Cùng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẵn có giữa ASEAN với các đối tác thế giới, Hiệp định đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) mà ASEAN dự kiến chuẩn bị ký kết năm nay, hợp tác kinh tế ASEAN năm 2020 chắc chắn mang lại những cục diện mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác