Việt Nam thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, phát triển

(VOV5) - Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 11 giúp định hướng phát triển hợp tác chính trị-kinh tế-xã hội giữa ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam.

Ngày 9/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự 3 Hội nghị cấp cao: Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 9 (ACMECS 9), Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào – Myanmar - Việt Nam lần thứ 10 (CLMV 10) và Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 11 (CLV 11).

Việc Thủ tướng tham dự 3 Hội nghị hợp tác quan trọng này tiếp tục thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc kết nối các thành viên, đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.

 Việt Nam thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, phát triển - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị ACMECS lần thứ 9, hội nghị đầu tiên trong 3 hội nghị cấp cao diễn ra trong sáng 9/12 theo hình thức trực tuyến. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Các hội nghị đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tập trung rà soát tình hình hợp tác của các cơ chế trong hai năm qua và phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các bài phát biểu quan trọng tại các Hội nghị, khẳng định ý nghĩa quan trọng của các cơ chế hợp tác này trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng Cộng đồng ASEAN.

 Việt Nam thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, phát triển - ảnh 2Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 9 (ACMECS 9) được tổ chức theo hình thức trực tuyến. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Thúc đẩy hợp tác khu vực

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác kinh tế để khai thác lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. Với chủ đề “Đối tác kết nối và vươn lên”, Hội nghị cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 9 tìm cách tăng cường sự hợp tác của ACMECS trong các lĩnh vực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như thúc đẩy liên kết phát triển giai đoạn hậu COVID-19.

 Việt Nam thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, phát triển - ảnh 3Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. - Ảnh: Trọng Đức/TTXVN 

Trong khi đó, Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) lần thứ 10 với chủ đề “Tăng cường Hiệu quả Kết nối đối với Hội nhập Khu vực” đề ra phương hướng hợp tác trong tương lai, trên cơ sở xem xét cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra và kế hoạch phục hồi kinh tế. Việc hình thành hợp tác CLMV là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN.

Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 11 giúp định hướng phát triển hợp tác chính trị-kinh tế-xã hội giữa ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam, đặc biệt về phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, y tế và tội phạm xuyên quốc gia. Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao CLV lần 10 (tháng 3/2018, tại Việt Nam), lãnh đạo ba nước đã thông qua Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030 nhằm đưa CLV trở thành một cực tăng trưởng của ASEAN. Đánh giá về hiệu quả hợp tác CLV, Thủ tướng CHDCND Lào Thongloun Sisoulith cho rằng: “Việc xây dựng tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu cần thiết chung của nhân dân 3 nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao đời sống của nhân dân trong khu vực này ngày càng được nâng cao. Cơ sở hạ tầng, các quy định để nhân dân tiếp cận được nguồn vốn, giáo dục, dịch vụ y tế , viễn thông, dịch vụ có nhiều thay đổi tích cực. Những kết quả này không tách rời sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau của nhân dân khu vực tam giác phát triển”.         

Thành viên có trách nhiệm

Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tháng 11/2004. Từ đó đến nay, Việt Nam đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở. Việt Nam cũng giữ vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường, quản lý nguồn nước.

Trong hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV, Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng các nước thực hiện rà soát và xây dựng Quy hoạch lại Tam giác phát triển đến 2020, xây dựng trang mạng riêng của Tam giác phát triển bằng bốn thứ tiếng (Việt, Anh, Lào và Khmer); hỗ trợ Lào và Campuchia trong việc xây dựng một số tuyến đường chính liên kết các tỉnh biên giới, xây dựng chợ biên giới, trạm liên kiểm. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển của Lào và Campuchia hơn 100 dự án. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm xây dựng tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam năng động, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm. Ba thủ tướng quyết tâm chụm lại, hỗ trợ và làm hết sức mình để xây dựng tình cảm, truyền thống xương máu của 3 dân tộc đã vun đắp”. 

 Đối với hợp tác CLMV, các nước CLMV đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong kết nối hạ tầng mềm. Các dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel góp phần quan trọng thúc đẩy kết nối viễn thông giữa bốn nước, trong đó có Chương trình miễn phí cước chuyển vùng quốc tế trong khu vực CLMV; đồng thời Viettel có thể hỗ trợ Chính phủ bốn nước xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao năng lực và kỹ năng số phục vụ chuyển đổi nền kinh tế số.

Những đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác khu vực trong thời gian qua đã khẳng định tinh thần chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam đối với hợp tác khu vực. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các Hội nghị cấp cao ACMECS 9, CLMV 10 và CLV 11 thể hiện sự tiếp nối những nỗ lực của Việt Nam vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác