Việt Nam tiếp tục đóng góp tiếng nói tại diễn đàn đa phương

(VOV5) - Việc tham khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại.

Phiên thảo luận chung cấp cao của Khóa 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 25/9 đến ngày 1/10, tại New York, Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự, tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, đó là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương. 

Việt Nam tiếp tục đóng góp tiếng nói tại diễn đàn đa phương - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VGP

Chủ đề thảo luận của năm nay là: "Làm Liên Hợp Quốc trở nên gần gũi hơn với mọi người: Sự lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì xã hội hòa bình, công bằng và bền vững".

Phiên thảo luận chung cấp cao là cơ hội để các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới tụ họp tại trụ sở của Liên Hợp Quốc, bàn thảo về các vấn đề toàn cầu. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong việc ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh năm qua một số xung đột đang gia tăng căng thẳng, bất bình đẳng tăng, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng… 

Việt Nam nhấn mạnh thống điệp tăng cường đối tác toàn cầu

Tham dự Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam. Đó là tăng cường đối tác toàn cầu vì một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững cho mọi người dân, trong đó đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu chia sẻ trách nhiệm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tổ để Liên hợp quốc trở nên mạnh mẽ, dân chủ, hiệu quả hơn, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầy đủ cho các hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là hỗ trợ các nước đang phát triển. 

Việc tham dự Phiên họp quan trọng này của Đại hội đồng Liên hợp quốc, một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, đó là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương. 

Hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc là hình mẫu  

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977. 41 năm qua, quan hệ của Việt Nam với Liên hợp quốc ngày càng phát triển, được đánh giá là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc, cũng như vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo. Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định: “Kể từ khi gia nhập, Việt Nam luôn xác định quan hệ với Liên hợp quốc là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại, luôn nỗ lực hết mình đóng góp vào các hoạt động chung của Liên hợp quốc, thành viên tích cực, có trách nhiệm, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển và giải quyết các vấn đề toàn cầu”.

Tháng 5 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6/2019. Nếu trúng cử thì đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong Sáng kiến Thống nhất Hành động – Một Liên hợp quốc là Một Ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc tại Hà Nội. Đến nay, Việt Nam và Liên hợp quốc đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030. Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết: “Hoạt động của Việt Nam tại Liên hợp quốc luôn thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước. Thông qua cầu nối Liên hợp quốc, Việt Nam đã có thêm điều kiện để đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam”.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao của Khóa 73 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, chủ động đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy Liên hợp quốc phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác