Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC tháo gỡ những thách thức để tăng trưởng và liên kết

(VOV5) - Thách thức đầu tiên mà APEC phải đối mặt hiện nay chính là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và xu thế chống lại hợp tác thương mại đa phương. 

Trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực còn nhiều bất định, các nền kinh tế thành viên APEC khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC. Nhiều biện pháp cụ thể đã được bàn tới trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 nhằm thúc đẩy thương mại tự do, thuận lợi hóa đầu tư khu vực, chú trọng nâng cao năng lực của các thành viên. 

Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 diễn ra trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những thay đổi căn bản, nhanh chóng và phức tạp.

Nhận diện các thách thức

APEC được coi là khu vực tiên phong trong thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, đóng vai trò tích cực trong các vấn đề ở châu Á - Thái Bình Dương nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức lớn trước các biến động mạnh mẽ của khu vực và thế giới.

Thực tế, toàn cầu hóa, tự do thương mại đã mang lại lợi ích to lớn cho nhiều nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, các nền kinh tế cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên mà APEC phải đối mặt hiện nay chính là sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và xu thế chống lại hợp tác thương mại đa phương. Song song với đó là xu hướng đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương giữa các nền kinh tế, thay vì đàm phán những cơ chế đa phương lớn hơn.

Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC tháo gỡ những thách thức để tăng trưởng và liên kết - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Rosler - Ảnh: VOV

Đề cập đến chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở nhiều nền kinh tế, Tiến sỹ Philipp Rosler, Giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho rằng: "Dĩ nhiên là chúng ta thấy có những động thái bảo hộ trên quy mô lớn khắp thế giới. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng ý tưởng về thị trường mở, thương mại tự do vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn nhiều cho mọi người như suốt thập kỷ vừa qua. Thương mại toàn cầu mang tạo ra công ăn việc làm chứ không phải là bảo hộ. Nhiệm vụ bây giờ thuộc về các nhà chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp phải giải thích xem lợi ích cho mọi người ở chỗ nào, từ những cá nhân bé nhỏ nhất tới cả xã hội họ hưởng lợi gì từ thương mại toàn cầu".

APEC 2017 thúc đẩy liên kết, hội nhập

Trong bối cảnh đó, APEC 2017 đặt trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung APEC 2017 bước đầu tạo động lực mới để các nước cùng nỗ lực hướng đến. Ông Alan Bolard, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC, cho rằng: "Chúng tôi rất hài lòng. Năm nay không phải là năm dễ dàng của APEC, phải đối phó với toàn cầu hóa. Việt Nam đã làm được rất nhiều việc trong lĩnh vực này, kể từ som 1 ở Nha Trang chúng tôi đã hiểu được những ưu tiên của Việt Nam, sáng kiến của Việt Nam. Việt Nam đã hỗ trợ APEC năm nay rất nhiều".

Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC tháo gỡ những thách thức để tăng trưởng và liên kết - ảnh 2

Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC, tiến sỹ Alan Bollard. - Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đến nay, nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong năm APEC 2017 đã được thông qua. Đáng chú ý là bốn văn kiện: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2020 và Chương trình hành động về phát triển nông thôn - đô thị, vừa được các Bộ trưởng thông qua tại AMM29.

Trước thềm các văn kiện này được trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đồng Chủ tịch AMM 29 cho biết: "Chúng ta không chỉ dừng trong việc đánh giá mục tiêu, kết quả đã đạt được, kế hoạch 2017, nhất là mục tiêu Bogor 2020 mà còn tiếp tục thông qua các cơ chế, sáng kiến quan trọng để tiếp tục mục tiêu của Bogor sau 2020 và tiến xa hơn nữa". 

Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC tháo gỡ những thách thức để tăng trưởng và liên kết - ảnh 3

Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì họp báo về Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao- Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29.

Để duy trì vai trò không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đa tầng nấc, duy trì và phát huy vai trò của châu Á-Thái Bình Dương là một động lực tăng trưởng, liên kết toàn cầu, những nỗ lực và sự đồng thuận của các nền kinh tế thành viên là rất cần thiết. Những kết quả đạt được tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã và đang tạo dấu ấn sâu đậm trong tiến trình hợp tác của APEC, chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư, giúp cho APEC đạt được mục tiêu chung phát triển bền vững, bao trùm.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác