Việt Nam và những dấu ấn trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

(VOV5) - Việt Nam đã chứng tỏ là thành viên có trách nhiệm, đóng vai trò dẫn dắt trong những vấn đề quan trọng của ASEAN.

Chiều 15/11, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan bế mạc tại Hà Nội sau 4 ngày làm việc.

Những kết quả đạt được trong đợt Hội nghị cấp cao lần này cùng với thành quả của cả năm 2020 làm nổi bật rõ tinh thần gắn kết, chủ động thích ứng của Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong bối cảnh thế giới biến động do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Việt Nam và những dấu ấn trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan. - Ảnh: nhandan.com.vn

Thành tựu của ASEAN năm 2020 là nỗ lực chung của Cộng đồng, đồng thời thể hiện nổi bật vai trò dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch. Với hình thức trực tuyến, năm 2020, Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị cấp cao, hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và hội nghị ASEAN với các đối tác lớn, tổ chức quốc tế. Đặc biệt Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, kết thúc năm Chủ tịch của Việt Nam, đã có hơn 20 hoạt động cấp cao, thông qua, ghi nhận, công bố hơn 80 văn kiện, cao nhất từ trước đến nay.

Đề xuất, triển khai thực hiện nhiều sáng kiến kịp thời

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, lãnh đạo các nước đã thống nhất nhiều biện pháp quyết liệt đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch bệnh COVID-19. Thành công rất quan trọng phải kể đến là việc Lập Quỹ Cộng đồng ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, thông qua Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp, thành lập Trung tâm khu vực ứng phó các tình huống y tế, dịch bệnh… Các đề xuất, sáng kiến này thể hiện tầm nhìn, hành động thống nhất của ASEAN trước các thách thức an ninh phi truyền thống.

Việt Nam và những dấu ấn trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 - ảnh 2Bà Cartlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. - Ảnh: baoquocte.vn

Dưới vai trò Chủ tịch của Việt Nam, trong đợt Hội nghị này, ASEAN đã giải quyết các vấn đề cơ bản, cốt lõi, lâu dài của khu vực như Công bố báo cáo đánh giá giữa kỳ triển khai Kế hoạch Tổng thể tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; Kế hoạch Tổng thể kết nối ASEAN 2025; công bố Khung phục hồi Tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai; thúc đẩy khôi phục chuỗi cung ứng khu vực và thế giới… Với các văn kiện này, lãnh đạo ASEAN thể hiện đoàn kết, nỗ lực thúc đẩy hợp tác, thu hẹp khoảng cách vùng miền, quốc gia, nâng tầm hợp tác giữa các tiểu vùng.

Trong quan hệ với các đối tác, lãnh đạo cấp cao ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là trong việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá: “Đây là Hiệp định đàm phán rất lâu dài. Nó chứng tỏ quá trình đàm phán không đơn giản, khá phức tạp trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển. Dù sao đây là tin tích cực đối với tiến trình hợp tác phát triển và liên kết của ASEAN, đặc biệt là của ASEAN với các đối tác, thậm chí là có ý nghĩa đối với toàn cầu”.

Trong vấn đề Biển Đông, ASEAN thể hiện quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa. Đánh giá tổng quan về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhận xét: “Chúng ta đã đạt được những mục tiêu đặt ra, trong đó có thể nói tất cả những sáng kiến, đề xuất cùng những ưu tiên của cả năm đều đã được thể hiện ở trong cuộc họp lần này của các nhà lãnh đạo và đã được các nhà lãnh đạo thông qua, phê chuẩn. Đó là điều hết sức phấn khởi trong cả lĩnh vực về xây dựng cộng đồng cũng như trong ứng phó với dịch COVID-19 và tiến tới phục hồi với các nước ASEAN”.

Vai trò quan trọng của Việt Nam

Thực hiện phương châm “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã linh hoạt, chủ động biến thách thức thành cơ hội trong năm Chủ tịch ASEAN. Việt Nam phát huy vai trò trung tâm đoàn kết, tăng cường gắn kết cộng đồng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác cùng các nước ASEAN và các đối tác triển khai thành công nhiều hội nghị trực tuyến, bảo đảm đúng, có chất lượng chương trình, kế hoạch, hoàn thành khối lượng kỷ lục các công việc trong một năm. Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah cho biết: “Brunei sẽ tiếp tục trên cơ sở những gì Việt Nam đã làm trong năm qua vì các nỗ lực phục hồi khu vực và xây dựng Cộng đồng. Với tư cách là Chủ tịch vào năm 2021, Brunei sẽ thúc đẩy 3 lĩnh vực cơ bản lấy cảm hứng từ lịch sử phát triển lâu đời của ASEAN”.

Bà Cartlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đánh giá: “Hội nghị thượng đỉnh đầu tư kinh doanh ASEAN do Việt Nam tổ chức nói lên tầm quan trọng của việc tham gia cùng nhau để thu hẹp khoảng cách, chia rẽ trong ASEAN, để cùng nhau trở thành đối tác trong quá trình phục hồi từ COVID-19. Vì vậy, tôi nghĩ nó rất sáng tạo, nó rất đổi mới, và nó đã được thực hiện với sự đoàn kết tuyệt vời và cũng là một minh chứng về sự phong phú tồn tại trong ASEAN”.

Sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức. Với việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, cùng với những thành quả đạt được trong năm 2020, Việt Nam đã chứng tỏ là thành viên có trách nhiệm, đóng vai trò dẫn dắt trong những vấn đề quan trọng của ASEAN.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác