Xu thế hòa giải, bình thường hóa quan hệ tại Trung Đông

(VOV5) - Những ngày này, xu thế hòa giải tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tại Trung Đông, khu vực vốn vẫn được coi là điểm nóng của thế giới từ nhiều thập niên qua.

Hàng loạt tín hiệu tích cực về bầu không khí hòa bình tại Trung Đông đã được ghi nhận thời gian qua, đặc biệt là sau khi Israel ký thỏa thuận hòa bình với hai quốc gia A rập là Các tiêu vương quốc A rập thống nhất (UAE) và Bahrain tại Washington (Mỹ) ngày 15/9 vừa qua.   

Những diễn biến tích cực

Mới nhất trong số này là sự kiện Israel và Bahrain hôm 22/10 ký thỏa thuận cho phép triển khai 14 chuyến bay thương mại mỗi tuần giữa Manama (Bahrain) và sân bay Ben Gurion (Israel). Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi cho rằng thỏa thuận sẽ mang tới làn sóng tăng trưởng kinh doanh, kinh tế và du lịch... đồng thời khẳng định Israel sẽ mở rộng vòng tay hòa bình với các quốc gia khác trong khu vực.

Xu thế hòa giải, bình thường hóa quan hệ tại Trung Đông - ảnh 1 Quốc hội Israel ngày 15/10 đã thông qua các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mà nước này đã ký với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain. Ảnh: AFP/TTXVN

Thỏa thuận hàng không giữa Israel và Bahrain được ký chỉ 2 ngày sau một thỏa thuận tương tự giữa Israel và UAE. Ngoài thỏa thuận hàng không, Israel và UAE còn ký 3 thỏa thuận khác, trong đó có thỏa thuận miễn thị thực cho công dân hai nước. Đặc biệt, trong cùng ngày 20/10, UAE đã chính thức đề nghị mở Đại sứ quán tại thành phố Tel Aviv của Israel "sớm nhất có thể", một bước đi hiện thực hóa mạnh mẽ thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, diễn biến được đánh giá là đáng chú ý nhất là việc các nguồn tin từ Chính phủ Chuyển tiếp Sudan ngày 22/10 nói rằng Thủ tướng Abdalla Hamdok đã sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Israel. Cùng ngày, các nguồn tin Israel cho biết, một phái đoàn nước này đã tới Sudan để thảo luận về vấn đề bình thường hóa quan hệ. Ngay lập tức, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng Sudan sẽ sớm trở thành quốc gia tiếp theo nối bước UAE và Bahrain ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israeal.

 Các bước đi thận trọng

Với những diễn biến tích cực như trên, có thể khẳng định rằng, một bầu không khí hòa bình, hòa giải đang lan tỏa tại khu vực Trung Đông vốn đầy bất ổn. Thế nhưng trong cùng lúc, nhiều chuyên gia vẫn thận trọng lưu ý rằng, cộng đồng quốc tế vẫn cần nỗ lực nhiều hơn cho nền hòa bình Trung Đông, vì nhiều lý do.

Trước hết, các thỏa thuận hòa bình đã đạt được và đang được thúc đẩy giữa Israel và các quốc gia A rập, chưa nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của toàn bộ thế giới A rập và các nước trong khu vực, trong đó đáng nói nhất là sự phản đối quyết liệt của Palestine, một bên trong tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng như Iran và Thổ Nhỹ Kỳ, hai quốc gia có nhiều ảnh hưởng tại khu vực.

 Bên cạnh đó, những căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran xoay quanh vấn đề hạt nhân, bất ổn tại các vùng đất Palestine, Syria, Lebanon, Iraq, Lybia… cũng luôn có thể gây ra những tác động bất lợi cho việc thiết lập bầu không khí hòa bình trong khu vực.

Ngoài ra, không thể không kể đến những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu đang khiến cho sự quan tâm cũng như nguồn lực quốc tế dành cho khu vực Trung Đông bị phân tán, giảm sút, khó tạo thêm xung lực đủ mạnh để thúc đẩy một nền hòa bình trọn vẹn ở khu vực này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác