Chính phủ của Thủ tướng Canada J.Trudeau sẽ tiếp tục ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam

(VOV5) - Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ năm 2015.

Thêm một nhiệm kỳ nữa dưới sự lãnh đạo của đảng Tự do và Thủ tướng Justin Trudeau, giới học giả Canada nhận định mối quan hệ với Việt Nam sẽ tiếp tục là một ưu tiên của Ottawa và sẽ được tăng cường trong những năm tới.

Chính phủ của Thủ tướng Canada J.Trudeau sẽ tiếp tục ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam - ảnh 1Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Ottawa mới đây, bà Sophia Leong, thành viên Ban cố vấn, Sáng kiến Canada-ASEAN (Canada-ASEAN Initiatives), khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục là một ưu tiên của Canada khi sở hữu 3 điểm mạnh. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi tốt. Thứ hai, sự lớn mạnh nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tiếp tục mang lại sự ổn định về kinh tế - thương mại rất cần thiết vì cả hai nền kinh tế (Việt Nam và Canada) phải điều chỉnh để thích ứng với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ 3 là đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và cả hai nền kinh tế của Việt Nam và Canada đang tích cực điều chỉnh sang giai đoạn bình thường mới. Việt Nam được cho là sẵn sàng đón nhận nền kinh tế kỹ thuật số nhanh hơn các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Chuyên gia J. Berkshire Miller, Viện Macdonald Laurier, cho biết trong bối cảnh Việt Nam là đối tác quan trọng trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây cũng là cơ hội để Canada xây dựng các mối quan hệ an ninh với Việt Nam và với khu vực trên phạm vi rộng hơn.

Chia sẻ quan điểm này, Phó Giáo sư Ian Lee, Đại học Carleton, nhấn mạnh cả hai đảng chính trị lớn của Canada (đảng Tự do và đảng Bảo thủ) đều muốn đa dạng các mối quan hệ thương mại. Hơn nữa, do Canada và Việt Nam đã ký kết CPTPP, nên hiệp định này sẽ ngày càng trở thành một phương tiện để Canada tăng cường thương mại với Việt Nam. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác