Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC

(VOV5) - Cuộc họp tập trung thảo luận về các giải pháp vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ New Zealand, bà Jacinda Ardern, tối 16/07, từ Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Tham dự Cuộc họp có Lãnh đạo kinh tế của 21 thành viên APEC.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Ảnh: VOV

Với chủ đề “Ứng phó đại dịch COVID-19, đâu là cơ hội của châu Á – Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tăng cho tương lai tốt đẹp hơn?”, cuộc họp tập trung thảo luận về các giải pháp vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt với những thay đổi căn bản, toàn diện đến đời sống, kinh tế, xã hội do tác động tàn phá của đại dịch COVID-19. Đây là lúc các nền kinh tế cần phải vượt qua khác biệt, đoàn kết cùng nhau vượt qua khủng hoảng và ổn định đời sống người dân, đưa nền kinh tế thế giới phục hồi, hướng vào quỹ đạo phát triển bền vững, bao trùm. Với phương châm “không bỏ ai ở lại phía sau”, Chủ tịch nước đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC: “Trước hết, APEC là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vaccine hàng đầu thế giới. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công  nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; cần nghiên cứu khả năng xây dựng Thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Thứ hai là xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo dòng chuyển động của các nền kinh tế, không để đứt gãy chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu như vừa qua. Thứ ba là thực hiện phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, APEC cần  triển khai nhanh các chương trình hợp tác, phối hợp chính sách về: hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương; nâng cao tính tự cường và năng lực thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tạo ra nhiều việc làm, thu nhập; đào tạo, chuyển đổi kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa đô thị, nông thôn và người dân”.  

Chủ tịch nước cũng chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện “mục tiêu kép” về phòng, chống dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế; đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong quá trình này. Chủ tịch nước khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ của các thành viên khác thúc đẩy hợp tác trên tinh thần “Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng” vì tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả.

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiếp thu và phản ánh các đề xuất định hướng hợp tác mà Chủ tịch nước đã nêu vào Tuyên bố chung của Hội nghị.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác