Công tác phòng chống tham nhũng đã củng cố niềm tin của nhân dân

 

Hôm nay 13/11, Quốc hội nghe Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 của Bộ Công An; Báo cáo công tác năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Báo cáo của thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; và thảo luận về các báo cáo trên.

Công tác phòng chống tham nhũng đã củng cố niềm tin của nhân dân  - ảnh 1Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Trung tâm thông tin QH 

Theo Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm. Qua đó đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp liên quan đến biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại.

Về các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: "Tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước; đấu tranh có hiệu quả với âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội quan trọng của đất nước. Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm nhằm răn đe tội phạm và giáo dục, phòng ngừa chung".

Theo Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị: "Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện cơ chế trong giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả. Sớm thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết thi hành để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống tham nhũng, trong đó chú trọng hoàn thiện các quy định để kiểm soát thực chất được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn".

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Chính phủ và các ban ngành liên quan chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng lớn… sát với tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác