Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN: Phát huy vai trò của phụ nữ trong phục hồi tổng thể sau đại dịch

(VOV5) - Vai trò của người phụ nữ được khẳng định rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN: Phát huy vai trò của phụ nữ trong phục hồi tổng thể sau đại dịch - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN - Ảnh: VOV

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan, tối 12/11, diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu COVID-19”. Hội nghị là sáng kiến của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020, và là hoạt động quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm Liên Hợp Quốc thông qua Cương lĩnh Bắc Kinh về bình đẳng giới.

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hoàng hậu Hà Lan Maxima (Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về tài chính bao trùm cho phát triển), Ngài Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN; các Lãnh đạo nữ tiêu biểu các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ đối với sự phát triển của mọi quốc gia. Vai trò của người phụ nữ được khẳng định rõ nét trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng các thách thức đối với phụ nữ trên nhiều phương diện. Theo ước tính của Liên hợp quốc, tới năm 2021 sẽ có 435 triệu phụ nữ và trẻ em gái rơi vào tình trạng nghèo đói, trong đó 47 triệu là do tác động trực tiếp của COVID-19. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, người phụ nữ cần được đặt ở ở vị trí trung tâm trong các nỗ lực và chính sách ứng phó, khắc phục các tác động của dịch bệnh của mỗi quốc gia và khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "ASEAN cần đặt người phụ nữ vào trọng tâm công cuộc tái thiết và phục hồi; tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếng nói của phụ nữ trong các quá trình đưa ra quyết sách, cũng như tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ.  Đưa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thành một ưu tiên quan trọng trong tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025. ASEAN cũng cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo và hiệu quả hơn để phát huy vai trò của người phụ nữ trên mọi phương diện, đặc biệt là cần tận dụng các lợi ích do tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số mang lại để nâng cao năng lực và phát huy tiềm năng của phụ nữ".

Đề cập tăng quyền năng cho phụ nữ, Hoàng hậu Hà Lan Maxima, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về tài chính bao trùm cho phát triển, nêu ý kiến: "Đảm bảo phụ nữ không bị mất cơ hội khi tham gia vào nền kinh tế số thông qua việc tiếp cận bình đẳng cơ sở hạ tầng. Bây giờ là lúc chúng ta xây dựng các sáng kiến mới. Chúng ta cần đẩy mạnh các chính sách cũng như thị trường để chuẩn bị cho việc tài chính bao trùm cho phụ nữ. Là đặc phái viên của Liên hợp quốc Tổng thư ký Liên hợp quốc về tài chính bao trùm cho phát triển, tôi hy vọng chúng ta có thể tiếp tục quá trình này".

Để nâng cao năng lực và phát huy tiềm năng của phụ nữ, dự kiến năm 2021, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn cấp cao ASEAN về vai trò của phụ nữ đóng góp cho phục hồi toàn diện và bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác