Ngành ngoại giao cần sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia

(VOV5) -  Những thành tựu của đất nước có sự đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại.

Sáng 15/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề: "Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng".

Ngành ngoại giao cần sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VOV

Thủ tướng đánh giá cao những nhà ngoại giao đã nỗ lực tạo nên sợi dây kết nối hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè năm châu, tạo nên vị thế Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Thủ tướng khẳng định những thành tựu của đất nước có sự đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, trong đó có việc kết hợp tốt giữa nguồn lực trong và ngoài nước để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao liên tục. Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác ngoại giao đã chú trọng đến doanh nghiệp và địa phương của nước sở tại, coi đó là trung tâm trong các nỗ lực xúc tiến quảng bá kinh tế đối ngoại của ngành ngoại giao, đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ. 

Nêu lên tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn khó lường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Ngoại giao kiến tạo phát triển cần phải chủ động và sáng tạo hiệu quả. Chỉ còn hơn hai năm nữa kết thúc nhiệm kỳ khóa mới, và một núi công việc đang chờ đón chúng ta kể cả trong nước và quốc tế, đối ngoại. Cho nên với vị trí vai trò của Bộ, ngành ngoại giao, tôi đề nghị các đồng chí đi sâu thảo luận, đề ra một số giải pháp cụ thể để đóng góp vào núi công việc đó để vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Năm nay nói tăng trưởng 6,7%, CPI không quá 4% thì phải thực hiện điều đúng điều đó”.

Nhấn mạnh công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ cho một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các nhà ngoại giao tài năng nhất chính là những người biết truyền cảm hứng sâu sắc, những người kể chuyện xuất sắc nhất cho bạn bè quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam, về lòng yêu chuộng hòa bình và những quyết tâm, các quyết sách làm kim chỉ nam cho con đường Việt Nam đi.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các nhà ngoại giao phát huy vị thế chiến lược của Việt Nam, coi tạo lập và củng cố vị thế này là một trong những ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề và nền tảng cho phát triển: “Các đối tác mà chúng ta đã biết coi trọng vị thế của ta trong chiến lược của họ như Chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương của Nga, chính sách hướng Đông của Ấn Độ, chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Vành đai và con đường của Trung Quốc... Tất cả những vị thế đó, câu trả lời vẫn là của chúng ta. Liệu Việt Nam có khả năng đặt mình ở đâu?. Tôi đề nghị Bộ Ngoại giao cần phối hợp liên ngành để tìm ra những phương thức sáng tạo, linh hoạt, nâng cao vị thế quốc gia, khai thác những điểm thuận, khắc phục những điểm bất đồng và điều quan trọng là tạo ra các cơ hội cho gìn giữ hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành ngoại giao phải thích ứng với tình hình mới. Thủ tướng cũng yêu cầu các Đại sứ năng động trong đối ngoại đa phương. Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác