Quốc hội bàn cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố

(VOV5) - Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương này. 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế.

Quốc hội bàn cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố - ảnh 1Toàn cảnh Quang cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương này. Đây là bước thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Tuy nhiên, theo các đại biểu, Chính phủ cần làm rõ thêm các giải pháp về quản lý quy hoạch; phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, rừng; ngân sách trung ương chi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng… để các cơ chế, chính sách đặc thù này thực sự tạo đột phá cho tăng trưởng của các địa phương thực hiện thí điểm. Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, đoàn Yên Bái, cho rằng:Tôi thống nhất trao quyền chủ động cho địa phương cho hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, và tỉnh Thanh Hóa, được quyền quy định bổ sung thêm với các loại phí ngoài danh mục quy định tại Luật phí và lệ phí. Cũng như điều chỉnh các mức phí, lệ phí khác so với quy định của luật. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện chính sách này, nhất là trong năm 2022 khi Việt Nam tập trung phục hồi và phát triển kinh tế sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Trong bối cảnh người dân và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải xuất nhập khẩu đang hết sức khó khăn với các khoản đóng thuế, phí và lệ phí.   

Thay mặt Chính phủ và Ban soạn thảo các Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội sẽ được nghiên cứu, giải trình trên tinh thần tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo nghị quyết cũng như trong công tác điều hành triển khai Nghị quyết về sau của Chính phủ.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác