Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ

(VOV5) - An ning mạng, cải cách hành chính, phòng chống thiên tai được các đại biểu quốc hội quan tâm.

 

Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ - ảnh 1 Chiều 6/11, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 6/11, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Các nội dung chất vấn liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, gồm: kinh tế, văn hóa, nông nghiệp, giao thông vận tải, lao động, nội vụ, tư pháp, an ninh…

Về việc triển khai Luật an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sau khi Luật an ninh mạng được Quốc hội thông qua tháng 6/2018, Bộ Công an đã tích cực triển khai thực hiện. Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, đã dự thảo xong, nhưng còn một dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật An ninh mạng chưa ban hành được do phải cân đối, phù hợp với một số quy định của luật pháp quốc tế.

Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ - ảnh 2 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính phủ điện tử, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Thủ tướng phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiên tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn Bộ phận Một cửa các cấp để giải quyết thủ tục hành chính. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Theo cách tính của Ngân hàng thế giới, tổng chi phí xã hội tiết kiệm khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm. Tháng 5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trục liên thông văn bản quốc gia hoạt động từ ngày 12/3/2019 đến nay có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử gửi và nhận qua Trục".

Về giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ Giao thông vận tải đã tăng cường chuyến bay giữa các sân bay trong nước, giảm giá một số giá dịch vụ tại sân bay, tạo điều kiện có phương án kinh doanh mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển hàng không nội địa. Nhờ đó, hàng không nội địa đã phục hồi như thời điểm cuối năm 2019.

Giải trình về các biện pháp ứng phó với thiên tai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: “Cần rà soát lại kịch bản biến đổi khí hậu làm cơ sở để xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai bão lũ, sạt lở đất, hạn mặn. Trên cơ sở đó lựa chọn các dự án trọng điểm, dự án ưu tiên để đầu tư trước trong điều kiện kinh phí còn khó khăn. Xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất với tỷ lệ thích hợp, mới có ở tỷ lệ cao, chưa có tỷ lệ nhỏ nên chưa xác định chính xác nơi nguy hiểm. Kiểm soát chặt chẽ các công trình hạ tầng, kinh tế-xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu,  đặc biệt là các công trình thủy điện nhỏ, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng, rừng phòng hộ. Tiếp tục đầu tư chương trình nhà ở chống lũ ở 14 tỉnh miền Trung”.

Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục diễn ra ngày 9 và 10/11.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác