Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ

(VOV5) - Chiều 9/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ.

Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ - ảnh 1

Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV - Ảnh: quochoi.vn

Trả lời về tỷ lệ người dân chưa có điện lưới quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định nhiệm vụ cấp điện lưới quốc gia cho tất cả mọi người dân là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ. Đến năm 2025 sẽ thực hiện được mục tiêu cấp điện cho 100% người dân, kể cả miền núi và hải đảo.

Về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia vào năm 2020. Mục tiêu cụ thể đón từ 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, đóng GDP trên 10% và doanh thu hơn 35 tỷ USD. Năm 2019, Việt Nam đón được hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa đạt 85 triệu, tổng thu du lịch đạt 35 tỷ USD, đóng góp vào GDP 9,2%. Như vậy, so với chỉ tiêu Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra thì đã cơ bản đạt được. Tuy nhiên, năm 2020 du lịch toàn cầu khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam ước tính thất thu 23 tỷ USD.

Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ - ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn

Để phục hồi ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam, tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng hàng không, hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, đổi mới phương thức kinh doanh, chiến lược sản phẩm và chính sách visa… Tái cơ cấu ngành du lịch bảo đảm chuyên nghiệp, hiện đại”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định: "Nhà nước đặc biệt quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội dân tộc thiểu số và miền núi, trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua bằng Nghị quyết 88. Đề án xác định 4 mục tiêu, gồm: xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau; giảm dần địa bàn khó khăn; thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển; khắc phục những hạn chế, bất cập của các chính sách trước đây. Tăng cường niềm tin của đồng bào với Nhà nước và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho Đề án này là trên 100 ngàn 400  tỷ đồng, thời gian chia ra 2 kế hoạch 5 năm, giai đoạn 1 là 2021-2026 và giai đoạn 2 là 2026 - 2030”.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình các vấn đề liên quan tới một bộ phận người lao động về hưu có mức lương thấp; tình trạng người tham gia bảo hiểm y tế nhưng khi đi khám bệnh thì vẫn phải bỏ tiền mua thuốc; giải pháp để tự chủ đại học. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời về các vấn đề phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả lũ lụt. Cũng trong chiều 9/11, Bộ trưởng các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên Môi trường, Công an, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đã tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác