Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội

(VOV5) - Ngày 5/11, các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV có ngày thảo luận cuối cùng về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội - ảnh 1 Sáng 05/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. - Ảnh: quochoi.vn

Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tới, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng: “Tôi đề nghị trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ để phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh làm trụ cột trong các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội - ảnh 2Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, phát biểu tại phiên thảo luận. - Ảnh: quochoi.vn 

Chỉ có đổi mới sáng tạo mới có thể chiếm lĩnh những khâu có giá trị kinh tế cao  trong chuỗi giá trị để tăng năng xuất lao động, tạo ra mức tăng trưởng đột phá. Phải huy động các nguồn lực vốn lớn cho đầu tư phát triển. Vấn đề không phải là hạ thấp tỷ lệ nợ công mà cốt yếu là quản lý nợ công hiệu quả. Tôi cho rằng cần nghĩ đến chiến lược huy động nguồn tiền bên ngoài vào để các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước vay lại để tự đầu tư kinh doanh sẽ hiệu quả hơn nhiều so với dựa vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI.”

Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội - ảnh 3Đại biểu Vương Ngọc Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn 

Việc đẩy mạnh liên kết phát triển vùng là hướng đi quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Bà Vương Ngọc Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, góp ý: “Tôi đề xuất 3 giải pháp. Thứ nhất, sớm triển khai quy hoạch vùng gắn với quy hoạch các tỉnh, để định hướng thống nhất phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách, đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Thứ hai, Chính phủ ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng. Đây là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện. Thứ ba Chính phủ ban hành chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có tiềm năng, thế mạnh với những sản phẩm đặc trưng và liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung.”

Các vấn đề liên quan tới khoa học kỹ thuật, giáo dục, khắc phục hậu quả thiên tai,  các chương trình mục tiêu quốc gia… cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận sáng 5/11.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác