Thủ tướng: Cương quyết thay đổi cán bộ vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA

(VOV5) - "Cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, thiếu trách nhiệm hoặc những cán bộ tiêu cực"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, thiếu trách nhiệm hoặc những cán bộ tiêu cực không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA. 

Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, thiếu trách nhiệm hoặc những cán bộ tiêu cực không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. 

Thủ tướng: Cương quyết thay đổi cán bộ vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cương quyết thay cán bộ không biết làm việc, tiêu cực, lợi ích nhóm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ mất mát về người và tài sản của nhân dân các tỉnh miền Trung do bão chồng bão, lũ chồng lũ gây ra. Khi thiệt hại mưa lũ chưa khắc phục xong thì cơn bão số 9 tiếp tục gây thiệt hại lớn. Bão khiến gần chục người thiệt mạng, tai nạn trên biển khiến 26 người mất tích chưa tìm thấy. Trong sáng nay, Thủ tướng chỉ đạo lực lượng hải quân, không quân tiếp tục tìm kiếm người mất tích trên vùng biển Khánh Hòa và Bình Định với tinh thần khẩn trương nhất.

Thủ tướng cho biết, mặc dù bão số 9 đã hạ cấp khi vào bờ nhưng do duy trì lâu trong đất liền nên thiệt hại về nhà cửa, tài sản, cơ sở vật chất rất lớn. Đặc biệt nghiêm trọng là tối qua, khoảng 20h, tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ sạt lở núi hết sức nghiêm trọng, vùi lấp hơn 50 người. Ngay đêm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các lực lượng chức năng bằng mọi phương tiện, biện pháp nhanh chóng cứu hộ, cứu nạn. Đêm qua, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã họp với lãnh đạo Quảng Nam và các cơ quan chức năng để chỉ đạo các biện pháp cần thiết, kịp thời.

Về nội dung hội nghị giải ngân vốn đầu tư vay nước ngoài và vốn ODA, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các ý kiến tại hội nghị, do hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện dự án ODA chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh thay đổi, dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Thủ tướng: Cương quyết thay đổi cán bộ vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA - ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, nhưng khối lượng giải ngân ODA còn rất lớn, gần 70% (gần 41.000 tỷ đồng). Thủ tướng nêu nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, Thủ tướng cho biết, mấy lần làm việc ở Hải Phòng, những tồn tại trong việc giải phóng mặt bằng có nơi đến 1/10 dân số nhưng vẫn làm rất kịp thời trong khi thành phố đông đúc dân cư. Cùng với đó, thành phố Hồ Chí Minh, tuyến metro trước đây cũng bế tắc nhưng vừa qua đã tập trung tốt và một số tuyến ở Bến Thành- Suối Tiên đã chạy thử vào cuối năm nay. Hà Nội cũng vậy.

“Những thành phố đông dân giải phóng mặt bằng mới khó, còn ở nông thôn, huyện, tỉnh không áp dụng máy móc. HĐND họp hàng tháng để đưa ra một bản giải phóng mặt bằng điều chỉnh dự án. Ở Ninh Bình, một tháng HĐND họp một lần quyết định giá cả, đầu tư. Còn các đồng chí để lại 6-7 tháng không đề cập thì không có sự chuyển biến được? Bí thư, Thường vụ không đi kiểm tra đôn đốc, không đưa ra Ban Thường vụ để mà kiểm tra phê bình, nhắc nhở lưu ý...thì làm sao chuyển biến được”- Thủ tướng nhắc nhở

Yêu cầu các địa phương, bộ, ngành sử dụng vốn vay nước ngoài phải nỗ lực, quyết tâm giải ngân vốn ODA, Thủ tướng cho rằng, công tác phối hợp hiện nay còn yếu và cần khắc phục vấn đề này. Các bộ, ngành phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp để làm rõ lộ trình, cách làm ODA thuận lợi, bài bản hơn, thống nhất hơn, từ đó lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm.

Để triển hai kế hoạch 2 tháng còn lại và năm 2021, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương quyết liệt, đồng bộ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, trong đó có vốn ODA.

Thủ tướng đề nghị người đứng đầu cơ quan đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm năm 2020 để nâng cao tinh thần thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ. Đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách chấm dứt tình trạng trì trệ sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ quan liêu nhũng nhiễu.

“Có người là Chủ tịch UBND, có người là Bộ trưởng, Vụ trưởng ...nhưng Ban Quản lý trực tiếp Dự án ODA rất quan trọng. Anh có năng động không? Có tích cực không? Hay là “sống chết mặc bay” không làm gì cả... thì phải kiểm điểm người này, cách chức mấy người này (nếu không hoàn thành trách nhiệm). Cùng với đó, các đồng chí phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm tiến độ thực hiện từng dự án để lãnh đạo các cấp, trực tiếp đôn đốc kịp thời tháo gỡ khó khăn. Và phải nói lại một lần nữa rằng, chúng ta cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, không có trách nhiệm, không tích cực; hoặc là những cán bộ tiêu cực không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA hoặc là quyền lực tập trung”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Cương quyết thay đổi cán bộ vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA - ảnh 3

Toàn cảnh buổi làm việc

Yêu cầu các cơ quan, địa phương nêu cả những vướng mắc từ phía các nhà tài trợ, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên nhân nội tại là chính. Do đó, phải giải quyết được các điểm nghẽn này để không chỉ thúc đẩy giải ngân trong năm nay mà cả các năm tiếp theo.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, giải pháp thứ nhất là thẩm quyền của người nào, của cơ quan nào, ban quản lý nào thì phải tự giải quyết theo pháp luật, không thể “đá quả bóng” từ địa phương lên Trung ương. Thứ hai là phải quyết chí trong công tác lãnh đạo chỉ đạo. Phấn đấu hai tháng cuối năm nâng tỷ lệ giải ngân lên bao nhiêu phần trăm. Đã giải ngân gần 30% rồi, liệu có nâng lên được 50% hay không. Và địa phương nào không làm được, phải báo cáo Thủ tướng để điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí năm 2021-2022 không bố trí vốn. Phải có chế tài mạnh mẽ, chứ không thể nhận vốn về không làm, cuối cùng trách nhiệm thuộc về Chính phủ, cơ quan chức năng. Đặc biệt với vốn đối ứng phải có biện pháp nào, trung ương hỗ trợ gì, vốn ngân sách địa phương ra sao.

Từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được giải ngân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này.

Cùng với đó là hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Hằng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020-2021, đừng để mất vốn. Cần chấm dứt tình trạng ghi danh mục mà không có dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu sửa đổi Nghị định 56 nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án và một số bất cập khác. Người đứng đầu các cấp phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, không thể chấp nhận có tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo, khó khăn, đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý phải kiên quyết thay đổi.

Vũ Dũng/VOV

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác