Việt Nam kêu gọi đặt lợi ích của người dân làm trung tâm trong mọi chính sách và hành động

(VOV5) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong cuộc chiến chống covid 19, không thể đi xa nếu đi một mình.

Việt Nam kêu gọi đặt lợi ích của người dân làm trung tâm trong mọi chính sách và hành động - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Thông điệp tới Diễn đàn vì Hòa bình Paris - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Từ ngày 11-13/11, Diễn đàn vì Hòa bình Paris lần thứ 3 (PPF3) với chủ đề “Đối mặt với COVID-19: Bước sang một thế giới tốt đẹp hơn” diễn ra tại Pháp với mục đích thảo luận các biện pháp ứng phó đa chiều để vượt qua thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra và tận dụng cơ hội để xây dựng một thế giới bền vững hơn.

Trong Thông điệp gửi diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến của Diễn đàn lần này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và sự hợp tác tích cực với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong cuộc chiến này, không thể đi xa nếu đi một mình và đại dịch đã tạo ra khủng hoảng toàn cầu về y tế, kinh tế, xã hội và con người, là thách thức chung mà nhân loại cần chung tay giải quyết thông qua đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương cũng như phối hợp hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, bảo đảm không một người dân, không một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc cần lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vaccine và thuốc điều trị COVID-19 với giá cả hợp lý. Đồng thời các quốc gia cần duy trì cam kết và nỗ lực thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các cam kết về biến đổi khí hậu, đặc biệt là cần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thương mại cho các nước đang phát triển để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, cũng như trong tiếp cận bình đẳng thị trường và các nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác