Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO và nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp

(VOV5) - Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều chính sách, biện pháp nhằm nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam.

Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO và nộp Văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp - ảnh 1

Toàn cảnh Lễ khai mạc Đại hội đồng WIPO lần thứ 59 - Ảnh: nhandan.com.vn

Kỳ họp lần thứ 59 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) khai mạc ngày 30/9 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu đến từ 191 quốc gia thành viên. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh dẫn đầu.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: ASEAN đang đẩy mạnh triển khai các sáng kiến về đổi mới sáng tạo để bắt nhịp với cuộc cách mạng này.

Tại Đại hội đồng lần này, Malaysia sẽ nộp văn kiện gia nhập Nghị định thư Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu, nâng số thành viên của ASEAN gia nhập điều ước này lên thành 9 thành viên.

Campuchia cũng sẽ nộp văn kiện gia nhập Công ước Bern và Việt Nam sẽ nộp văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều chính sách, biện pháp nhằm nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam. Kết quả là, chỉ số GII của Việt Nam liên tục tăng trong những năm vừa qua, trong đó năm 2018, chỉ số GII của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42, đứng đầu trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh có buổi làm việc với Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry. Bộ trưởng đã trao văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay cho Tổng giám đốc WIPO. Với việc gia nhập này, Việt Nam hiện đã là Thành viên của tất cả 3 điều ước về đăng ký quốc tế cho sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng do WIPO quản lý.

Tối cùng ngày đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về GII và Thỏa thuận hợp tác về Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo giữa Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Cục Sở hữu trí tuệ với WIPO.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác