Chị Lò Lở Mẩy và khát vọng vươn lên thoát nghèo

(VOV5) - Với những đóng góp của mình, chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu giải đoạn 2015-2019.

Nghe âm thanh tại đây:

 

Không cam chịu cảnh đói nghèo khi gia đình có diện tích đất trồng trọt lớn, chị Lò Lở Mẩy, một phụ nữ dân tộc Dao, ở thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, kiên trì thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng trọt. Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, chị Lò Lở Mẩy còn giúp nhiều chị em có hoàn cảnh có khăn vươn lên thoát nghèo.

Chị Lò Lở Mẩy và khát vọng vươn lên thoát nghèo - ảnh 1Chị Lò Lở Mẩy (bên phải) bán dưa dán tem nhãn mác. Ảnh: Chẻo Thu/VOV 

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo thôn Chu Cang Hồ, chị Lò Lờ Mẩy luôn trăn trở với suy nghĩ: Vì sao gia đình mình và nhiều hộ chị em trong thôn có đất, có đồi mà vẫn nghèo? Làm thế nào để tìm hướng phát triển kinh tế, xóa đói nghèo?. Cất công đi tìm hiểu ở nhiều nơi, đọc sách báo, năm 2018, chị Lò Lở Mẩy mạnh dạn đề xuất với phòng Nông nghiệp huyện Bát Xát –Lào Cai giúp đỡ về kiến thức trồng, chăm sóc dưa hấu và chị mạnh dạn vay vốn để mở rộng diện tích trồng.

Nhận thấy một thực tế là xưa nay bà con chỉ quen với cách làm nhỏ lẻ, manh mún dẫn tới thiếu về kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như việc tiêu thụ sản phẩm, chị đã tập hợp một nhóm sản xuất gồm 8 chị em phụ nữ trong thôn trồng, chăm sóc hơn 1 hecta dưa hấu ở thôn Láo Vàng Chải,  thu về 15 tấn quả ở vụ đầu tiên, mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng.

Chị Mẩy chia sẻ: "Có được thành quả này là sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân. Từ xuất phát điểm còn khó khăn về kinh tế vật chất, nên bản thân tự động viện vượt khó, vươn lên, cải thiện kinh tế gia đình. Khi thấy mô hình trồng dưa hấu có hiệu kinh tế cao, tôi đã vận động một số chị em trong thôn, xã cùng tham gia trồng dưa hấu. Khi hoạt động theo hội, nhóm thì làm việc rất hiệu quả, khi có doanh nghiệp cần thu mua nhiều thì việc sản xuất theo nhóm của chị em chúng tôi sẽ đáp ứng được tốt hơn."

Chị Chảo Pết Hang, một thành viên  trong nhóm sản xuất, phấn khởi cho biết: Khi tham gia nhóm, chị em không phải đầu tư bất cứ một thứ gì mà chỉ cần góp công sức. Vào vụ dưa, mỗi chị em có thu nhập bình quân gần 500 nghìn đồng/người/ngày: "Trước đây khổ lắm, nhiều năm không tự tìm được cho mình hướng làm ăn hiệu quả. Nay có chị Mẩy nghĩ được cách làm hay như thế này cho chị em chúng tôi ai cũng rất hào hứng tham gia. Vụ dưa vừa rồi, thu nhập được gấp đôi những năm trước. Thấy làm ăn được, mấy chị em chúng tôi phấn khởi lắm, chúng tôi sẽ cố gắng đoàn kết giúp nhau để cùng phát triển."

Chị Lò Lở Mẩy và khát vọng vươn lên thoát nghèo - ảnh 2Chị Lò Lở Mẩy (giữa) được vinh danh trong chương trình Phụ nữ là để yêu thương nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Ảnh: Chẻo Thu/VOV

Hiện nay, dưa do nhóm sản xuất của chị Lò Lở Mẩy trồng đã được cấp tem, nhãn mác, trích xuất nguồn gốc dưa sạch. Do vậy, đã có nhiều thương lái đến tận vườn để thu mua, bình quân mỗi đợt 4-5 tấn dưa sạch, với giá bán 6.000-7.000 ngàn đồng một kg.

Theo ông Chảo Hùng Phẩy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, điều được nhất của mô hình sản xuất dưa sạch và việc lập tổ nhóm sản xuất của chị Lò Lở Mẩy là chị em có hoàn cảnh khó khăn được trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xóa bỏ được thói quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, có cơ hội được làm chủ để thoát nghèo bền vững.

Với những đóng góp của mình, chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu giải đoạn 2015-2019: "Mô hình của chị Lò Lở Mẩy chúng tôi đánh giá rất cao. Với  mô hình này chị Mẩy đã tuyên truyền nhiều chị em trồng dưa hấu phát triển kinh tế tại xã. Trong năm tiếp theo chúng tôi sẽ cùng hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, ngoài ra sẽ tư vấn để chị em, bà con tham khảo những cây giống tốt nhất, làm sao để có những quả dưa hấu đạt đúng tiêu chuẩn”. Chảo Hùng Phẩy nói.

Ngoài trồng đúng quy trình, đảm bảo dưa sạch, dưa an toàn, chị Lò Lở Mẩy và nhóm sản xuất đang phấn đấu vận động thêm chị em, bà con góp đất, góp sức  mở rộng diện tích trồng dưa hấu, tiến tới đủ điều kiện thành lập hợp tác xã. Theo chị Lò Lở Mẩy: Đây là cơ hội để bà con trong thôn, trong xã, nhất là chị em phụ nữ vươn lên từ chính đồng đất của mình.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác