Chiềng Khương - Xã biên giới đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Sơn La về đích nông thôn mới. 

Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Sơn La đạt chuẩn Nông thôn mới và cũng là xã đầu tiên của tỉnh Sơn La đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2, theo bộ tiêu chí Nông thôn mới. Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở xã Chiềng Khương, đã thay đổi rõ rệt, đời sống bà con các dân tộc nơi đây không ngừng phát triển.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chiềng Khương - Xã biên giới đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - ảnh 1Đường liên bản xã Chiềng Khương được bê tông hóa.  Ảnh: baosonla.org.vn

Con đường bê tông vào bản Quyết Thắng, xã Chiềng Khương, rộng rãi chạy qua những khu vườn trồng xoài, nhãn... trĩu quả. Là một trong những bản đi đầu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn mới của huyện Sông Mã, hiện nay, tuyến đường trục chính vào bản và các tuyến đường quanh bản đã được cứng hóa 100%, rất thuận tiện cho việc đi lại của người dân. 

Trên căn nhà sàn rộng rãi, xung quanh rợp mát bóng cây ăn trái, ông Lò Văn Hởi, dân tộc Thái, chia sẻ: “Trước kia, việc đi lại rất khó khăn, nhất là những ngày mưa. Từ ngày có trong trào xây dựng nông thôn mới, đường đi lại trong bản đã được làm bê tông, đi lại và vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi: “Trước kia gia đình cũng không có nhiều đất nhưng lúc theo chủ trương của xã là xây trường học mầm non mới cho các cháu, nếu bản không có đất thì trường sẽ xây ở thị trấn. Nếu xây dựng trường ở thị trấn thì trẻ con và phụ huynh đi lại sẽ xa và nhà nào hoàn cảnh nghèo khó thì khó có thể đến lớp. Từ đó tôi vận gia đình hiến gần 400m vuông để xây dựng trường học và mở rộng đường đi lại trong bản.”

Chiềng Khương có 23 bản với 2.779 hộ dân là đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Sinh Mun và Khơ Mú. Đây là xã biên giới của huyện Sông Mã với hơn 20 km đường biên giới tiếp giáp với Lào. Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Sơn La về đích nông thôn mới. Đây là kết quả của việc nhiều cách làm hay, sáng kiến mới được triển khai, nhân rộng ở các địa phương vùng biên, vùng đồng bào dân tộc, tại Sơn La. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Khương đã huy động trên 70 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 47 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 23 tỷ đồng, hơn 31.000 ngày công, hiến trên 12.000 m2 đất để hoàn thành 170 tuyến đường giao thông nội bản, dài gần 50 km; tất cả các xã, bản đã xây dựng được nhà văn hóa. 

Ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, cho biết: Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới được người dân trong xã đồng tình và ủng hộ rất cao. Xã Chiềng Khương cũng xác định xây dựng nông thôn mới điều cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để đạt được điều này, chính quyền xã đã có những cách làm sáng tạo. Ông Cường cho biết: “Xã Chiềng Khương được tỉnh Sơn La chọn là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, tuy nhiên xã đã về địch trước 3 năm vào tháng 7/2017. Trong công tác tuyên truyền, UBND xã và Đồn Biên phòng Chiềng Khương đã cùng nhau tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất và ngày công để xây dựng các tuyen đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, Đồn Biên phòng đã kết nối với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, hoàn thành tiêu chí.”

Chiềng Khương - Xã biên giới đổi thay từ xây dựng nông thôn mới - ảnh 2Người dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã chăm sóc vườn nhãn. Ảnh: TTXVN

Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Khương đặc biệt quan tâm đến huy động sức dân, bởi mục đính chính của chương trình này là phục vụ cho nhân dân, bản thân và chính gia đình của họ. Thông qua các buổi tuyên truyền, nhân dân đã thấy được kết quả của việc xây dựng nông thôn mới gắn liền với cuộc sống hàng ngày, nên việc vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực đã nhanh chóng được bà con ủng hộ. Cùng với đó, chính quyền xã đã nhân rộng mô hình cán bộ, đảng viên phụ trách chi bộ bản, thường xuyên đến bản cùng và triển khai hướng dẫn cho bà con nhân dân. Đồng thời, lấy đảng viên đi đầu, tiên phong trong việc tuyên truyền, xây dựng các mô hình kinh tế. Từ đó, giúp bà con thay đổi nhận thức để áp dụng vào cuộc sống.

 “Chúng tôi xác định giai đoạn 2025 xã Chiềng Khương sẽ về đích xã nông thôn mới nâng cao; 50-70% các thôn, bản hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu. Qua khảo sát, đánh giá thực tế, xã Chiềng Khương đã đạt 11/16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chúng tôi cho rằng sự ủng hộ của bà con nhân dân, góp công, góp sức làm đường, xóa đói giảm nghèo... đã tạo nên kết quả xây dựng nông thôn mới của xã.” – Ông Lưu Văn Cường khẳng định  

Thông qua việc chuyển đổi sản xuất, phát triển cây ăn quả... đồng bào các dân tộc ở Chiềng Khương đã thay đổi thói quen sản xuất, phát triển đời sống. Từ đó, góp phần vào quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để đưa diện mạo nông thôn ở những bản làng vùng cao, vùng khó khăn đang đổi thay từng ngày.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác