Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội

(VOV5) - An Hiền là một trong những thôn được Ủy ban nhân dân xã Hoàng Diệu đánh giá cao nhất về xây dựng nông thôn mới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 An Hiền là một trong 7 thôn ở xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Luôn đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở xã Hoàng Diệu, thôn An Hiền đang hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trước đây, theo địa giới hành chính, thôn An Hiền và thôn An Vọng ở xã Hoàng Diệu là hai thôn riêng rẽ. Ngày 17/3/2020, hai thôn này được sát nhập lại với nhau và thống nhất lấy tên là thôn An Hiền. Là thôn thuần nông, An Hiền hiện có 396 hộ với 1.484 nhân khẩu.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội - ảnh 1hà văn hóa và thư viện thôn An Hiền. Ảnh: Ngọc Anh

Xã Hoàng Diệu được Thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. An Hiền là một trong những thôn được Ủy ban nhân dân xã Hoàng Diệu đánh giá cao nhất về xây dựng nông thôn mới. Công tác dồn điền đổi thửa được triển khai hiệu quả, giúp nâng cao năng xuất cao trồng, vật nuôi, giảm sức lao động người nông dân. Trước đây, thôn An Vọng được huyện Chương Mỹ chọn làm điểm về mô hình dồn điền đổi thửa. Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của thôn An Hiền là hơn 200 mẫu, có 13 trang trại. Các vùng sản xuất nông nghiệp được quy hoạch khoa học, tạo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn An Hiền, cho biết: "Thôn An Hiền quy hoạch đảm bảo vùng nào được trồng cây ăn quả, vùng nào gieo cấy thì làm. Một số trang trại trồng nhãn, bưởi đã có thu hoạch cao. Thu nhập mỗi năm từ 500 đến 600 triệu trên một trang trại, tiền lãi được 50% trong đó. Riêng trang trại nuôi gà 1 năm trừ hết chi phí thu lãi khoảng 300 triệu. Thôn ký hợp đồng với các chủ máy làm đất, hợp đồng máy gặt thu hoạch lúa cho bà con nên bà con yên tâm chỉ đến ngày thu hoạch mang bao tải ra đóng bao mang về. Phòng kinh tế thôn khi thấy có loại giống mới chất lượng cao thôn mang về ngay. Như năm vừa qua có 50 ha giống lúa mới QR 15 chất lượng cao đã được mang về cho bà con và năng xuất đạt 230 - 240 kg/sào/vụ."

Để hỗ trợ vốn cho bà con làm kinh tế nông nghiệp, thôn An Hiền thành lập 3 tổ giúp bà con vay vốn ngân hàng sản xuất, kinh doanh, mỗi tổ quản lý 2 tỷ đồng. Sau khi hết hạn bà con thanh toán trả ngân hàng rồi lại được cho vay vốn sản xuất. Trong thôn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ông Đặng Xuân Chiến, Phó trưởng thôn và cũng là một trong những người kinh doanh thành đạt ở thôn An Hiền, cho biết: "Trước đây mỗi nhà một thửa sản xuất nhỏ, manh mún, máy móc hoạt động không hiệu quả. Nhưng sau khi dồn điền đổi thửa, máy công nghiệp vào hoạt động thuận lợi, bờ đường giao thông nội đồng làm lại to rộng, các loại máy phương tiện cơ giới có thể vào tận bờ để chở nông sản cho nhân dân, năng xuất nâng lên và giảm được sức lao động. Năm 2013, địa phương có một khu đất trũng cấy lúa năng xuất thấp. Khi dồn điền đổi thửa, khu vực này được chuyển đổi sang làm vườn ao chuồng. Nên tôi nhận 2 ha đất, triển khai đào ao nuôi cá, đắp đất cao lên làm vườn, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Doanh thu hàng năm vài trăm triệu đồng, trừ chi phí một năm thu lãi 150 triệu đồng."

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội - ảnh 2Bức bích họa trên tường mô tả cảnh bà con làm đồng. Ảnh: Ngọc Anh

Bộ mặt nông thôn An Hiền ngày càng khởi sắc. Đình, đền, chùa, nhà văn hóa trong thôn đã được xây mới hoặc sửa chữa, tu bổ khang trang. Trong thôn có những bức tường được tô vẽ, trang trí đẹp mắt như những tác phẩm nghệ thuật. 100% đường thôn, ngõ xóm được bê tông hóa, hệ thống rãnh thoát nước trong khu dân cư có nắp đậy, bảo đàm môi trường sạch sẽ.

Ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ thôn An Hiền, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn An Hiền, cho biết: "Chúng tôi lấy xã hội hóa làm nền tảng để xây dựng nông thôn mới. Mỗi người dân luôn nhận thức là một chủ thể xây dựng nông thôn mới. Điển hình nhất là công trình nghĩa trang, quy tập được hơn 300 ngôi mộ, nhân dân ủng hộ hơn 1 tỷ đồng. Sân vận động rộng trên 3000 m2 là do nhân dân tự nguyện hiến đất, mỗi nhà tự hiến một ít đất để làm sân vận động, hoàn thành năm 2011. Con đường trục chính của làng dài hơn 300 m với hơn 100 bồn hoa giấy. Một đường hoa rất đẹp được nhiều nơi ở huyện Chương Mỹ về đây học tập kinh nghiệm, cách làm."

Thôn An Hiền hiện nay không còn hộ nghèo, chỉ còn 4 hộ cận nghèo và trong năm 2022 thôn đặt mục tiêu xóa hết các hộ cận nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân người dân từ 55 triệu đến 58 triệu/năm, phấn đấu đạt 60 triệu đồng/năm/người. Kinh tế đi lên, đời sống văn hóa sống của người dân cũng được nâng cao.

Ông Trần Quang Điển, bậc cao niên ở thôn An Hiền, cho biết: "Thư viện chúng tôi xây dựng được 5 năm nay. Chúng tôi có trên 1.000 đầu sách, gồm nhiều loại sách văn học, nghệ thuật, thể thao, luật, nông nghiệp, chăn nuôi, cách chăm sóc trẻ em, y tế… Lúc đầu mở ra đông người quá phục vụ không đủ. Sau đó chúng tôi dành riêng thư viện thôn cho người trong thôn đọc miễn phí, chủ yếu cho người dân mượn đem về nhà đọc."

Người dân thôn An Hiền chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp. Diện mạo nông thôn nơi đây đang đổi thay từng ngày. Thôn An Hiền đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 hoặc trong năm 2024 về đích nông thôn mới nâng cao
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác