Đình làng, công trình gắn với nguồn gốc làng

(VOV5)- Đình làng Việt không chỉ là công trình kiến trúc biểu tượng của cả làng, mà còn ẩn chứa trong đó những câu chuyện lịch sử, thể hiện những ước vọng của người dân gửi gắm qua từng đường nét kiến trúc, nét chạm khắc ở đình làng.


Đình làng, công trình gắn với nguồn gốc làng  - ảnh 1
Khuôn viên đình làng Đồng Kỵ - Ảnh: internet

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Đình làng là công trình trong tổng thể kiến trúc làng Việt Nam. Đình làng là nơi thờ Thành Hoàng làng, là người thành lập làng hay có công với làng. Vùng đồng bằng Bắc bộ hiện vẫn là nơi tập trung nhiều ngôi đình cổ của cả nước. Những ngôi đình còn bảo tồn đến ngày nay có thể kể tên như: Đình Thụy Phiêu (Ba Vì, Hà Nội) dựng năm 1531, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) dựng (1566 - 1577), đình Là (Thường Tín, Hà Nội) dựng (1581) hay đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) được xây dựng vào thế kỉ XVI. Theo các nhà nghiên cứu, những ngôi đình đẹp và quy mô  lớn thường được xây dựng vào những giai đoạn lịch sử khi kinh tế xã hội phát triển và đình càng bề thế, kiến trúc càng đẹp, càng khẳng định vị thế của làng. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Ngọc, cho biết:  "Tôi đã đi nhiều nơi, những ngôi đình lớn ở các làng nổi tiếng thường đặt ở  vị trí trung tâm của làng, trong khuôn viên rộng rãi đàng hoàng. Các con đường thường né tránh nó để làm tôn vinh ví trí mà ngôi đình tọa lạc. Ở những làng có  đình bề thế , thì trong kiến trúc đình thường có hàng cột lớn, các gian trong đình cũng rộng rãi hơn."

Đình làng, công trình gắn với nguồn gốc làng  - ảnh 2
Lễ hội tại đình làng Đồng Kỵ - Ảnh: internet



Kiến trúc đình làng Đồng Kỵ được coi là một trong những đình làng tiêu biểu cho kiến trúc đình làng Bắc bộ. Đình Đồng Kỵ được làm hoàn toàn làm bằng gỗ theo kiểu kiến trúc nhà sàn của người Việt (người Mường cổ). Tòa đại đình có diện tích rất rộng, lợp ngói mũi, kiểu bốn mái xòe rộng ra ôm lấy đất. Tuy nhiên, mái đình không nặng nề nhờ bốn đầu mái đao được tạo hình cong vút lên như nâng cho mái đình bay bổng. Kiểu mái này cũng chính là đặc điểm nổi bật của kiến trúc đình làng Việt Nam.


Bên cạnh kiến trúc tổng thể không gian đình làng…thì những bức tượng thờ, hoành phi câu đối, các bức chạm khắc, cửa võng trang trí trong nhiều ngôi đình như kể lại câu chuyện của làng. Chẳng hạn như đình làng Diềm ở tỉnh Bắc Ninh được xây dựng vào cuối thế kỷ 17. Điểm nổi bật trong trang trí trong gian giữa ngôi đình là bức chạm cửa võng với những nét chạm tinh xảo hình rồng, vân mây, hoa bốn cánh... Trong đình còn nhiều hình khối chạm khắc nghệ thuật khác thể hiện các đề tài gần gũi với cuộc sống như các bức chạm: Bát tiên, các cô thôn nữ, ông già ngồi đánh cờ...Cảnh sinh hoạt này thể hiện ước vọng của người dân muốn có cuộc sống thanh bình. Mặt khác, nội dung các bức chạm cũng cho thấy tâm hồn  bay bổng của những nghệ nhân làng. Họa sỹ Đinh Tiến Hải,, nghiên cứu về kiến trúc làng, cho biết: " Chủ nhân của những bức chạm này vốn xuất phát từ nông dân và có cuộc sống gắn bó với làng quê, cho nên nét chạm khắc của họ vẫn còn phản ánh tư duy nông nghiệp. Những bức chạm này toát lên vẻ hồn nhiên đầy sức sống. Điều này chứng tỏ những nghệ nhân xưa không bị bó buộc hay câu nệ khi khéo léo đưa cả cảnh sinh hoạt đời thường vào các bức chạm trang trí ở đình." 


Có thể nói những người xây dựng đình trước đây đã gửi gắm một phần suy nghĩ vào các tác phẩm chạm khắc của mình nơi đình làng. Đình làng không chỉ là công trình kiến trúc tiêu biểu của làng, mà còn là nơi nghệ thuật dân gian thăng hoa và tỏa sáng. Những đường nét kiến trúc, các bức chạm khắc trang trí ở các ngôi đình để lại đến ngày nay còn là những câu chuyện lịch sử, thể hiện tài nghệ của các nghệ nhân.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác