Độc đáo Lễ hội đình làng biển ở Quảng Ninh

(VOV5) - Lễ hội đình Trà Cổ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Lễ hội Đình Trà Cổ hàng năm được đánh giá là lễ hội có quy mô lớn và mang giá trị tiêu biểu trong các lễ hội dân gian ở vùng biên Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Với nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc, lễ hội nhằm tưởng nhớ và tri ân các vị Thành Hoàng đã có công xây dựng lên ngôi làng Trà Cổ xưa. 

Độc đáo Lễ hội đình làng biển ở Quảng Ninh - ảnh 1Khai mạc Lễ hội Đình Trà Cổ năm 2022. Ảnh: VOV

Ngôi đình Trà Cổ đang thờ bài vị của 6 gia đình (tiên công) có công khai hoang, vỡ đất vùng bán đảo Trà Bình. Họ được coi như những vị thành hoàng làng bảo vệ người dân đi biển trước sóng gió, bão táp của biển cả. Lễ hội Đình Trà Cổ được tổ chức thường niên (từ ngày 30/5 - 3/6 âm lịch), là dịp để tưởng nhớ các vị tiền nhân đã có công dựng làng, lập ấp, đánh đuổi giặc ngoại xâm; giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ.

ÔngTrần Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy UBND phường Trà Cổ, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội Đình Trà Cổ 2022, cho biết: “Lễ hội Đình hàng năm cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn được mùa và nhất là đi biển. Việc tổ chức sẽ giáo dục truyền thống cho con cháu, cho thế hệ trẻ trên địa bàn phường để từng bước thấm nhuần văn hóa của quê hương. Tôi mong muốn lễ hội này quảng bá sâu rộng đến bà con nhân dân phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh thành trên mọi miền Tổ quốc.”

Sau tiếng trống khai hội là nghi thức rước kiệu nghênh thần trên biển - nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ. Kiệu thần được các trai tráng trong làng nghênh rước qua các tuyến phố, dọc theo bãi biển Trà Cổ và trở lại đình Trà Cổ (phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái). 

Độc đáo Lễ hội đình làng biển ở Quảng Ninh - ảnh 2Sau tiếng trống khai hội là nghi thức rước kiệu nghênh thần trên biển - nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ. Ảnh: VOV

Dọc hai bên đường đám rước đi qua, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển, thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh và tổ tiên phù hộ con cháu mạnh khỏe, cuộc sống ấm no, đi khơi đánh bắt được nhiều tôm cá trong năm qua.

Bà Lại Thị Quý. du khách lần đầu đến và trải nghiệm lễ hội Đình Trà Cổ cho biết: “Rất là linh thiêng. Đây là lần đầu tôi đến đây nhưng tôi rất là thích. Có thể là tôi sẽ đi nữa, nhiều lần nữa tôi sẽ đến đây. Tôi rất muốn đây là một di tích, văn hóa được truyền lại cho con cháu sau này nữa, mãi mãi được giữ gìn.”

Điểm độc đáo của Hội Đình Trà Cổ chính là cuộc thi "ông Voi". Ông Voi là tên gọi trân trọng của người Trà Cổ với những chú lợn được chăm sóc đặc biệt. Các "Ông Voi" được 12 cai đám là những người trung tuổi, khoẻ mạnh, biết làm ăn, có lối sống lành mạnh, gia đình thuận hoà, không vướng tang ma, nuôi dưỡng trong suốt 1 năm. Khi rước ra chầu Thần đình, các "Ông Voi" sẽ được tắm rửa sạch sẽ, nằm trên kiệu có màn che. Ban tổ chức sẽ trao giải nhất, nhì, ba cho "ông Voi" đạt đủ tiêu chuẩn về cân nặng, kích thước, dáng hình.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Cai Đám trưởng giành hạng nhất cuộc thi "Ông Voi",  chia sẻ: “Sau khi tôi được nhận ông Voi về chăm sóc, thì trong một năm chăm sóc ông, cũng rất nhiều vất vả. Tuy nhiên vinh hạnh và mang đến cho cả gia đình niềm vui. Một ông đám chỉ được làm một lần duy nhất. Vinh hạnh nhất khi mình đạt giải nhất và là ông đám trưởng của khóa 2021 - 2022. Khi tôi được nhận khóa ông đám, cùng gia đình tôi muốn lịch sử này sẽ trường tồn và truyền lại cho con cháu chúng tôi sau này tiếp nối các bậc tiền bối trước.”

Ngay sau phần chấm giải, các "ông Voi" trở lại là những chú lợn bình thường. Riêng "ông Voi" đoạt giải Nhất được giữ lại để tế thần. Trong mâm lễ tế, không thể thiếu túm lông vai của "ông Voi". Cúng xong, túm lông vai này được đưa ra đặt ở gốc đa cạnh sân đình Trà Cổ. Đây là một nghi thức rất thiêng liêng, quan trọng trong lễ hội đình Trà Cổ.

Lễ hội đình Trà Cổ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019. Việc tổ chức Lễ hội hàng năm là sự ghi nhận, tôn vinh, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu của lễ hội đình Trà Cổ, góp phần làm phong phú dòng chảy văn hóa của dân tộc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác