Đưa làng nghề truyền thống Việt Nam hội nhập quốc tế

(VOV5) - Làng nghề truyền thống Việt Nam là làng nghề có lịch sử lâu đời, với những sản phẩm tinh hoa, độc đáo. Đến nay, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam đã được thế giới biết đến, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Việt Nam có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó khoảng 2.000 làng nghề truyền thống với hơn 50 nhóm nghề như: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá… Đặc biệt, các sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống Việt Nam phong phú, đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Ví dụ như lụa của làng Vạn Phúc, gốm của làng Bát Tràng, hay chạm bạc làng Đồng Xâm…, đã được công nhận là thương hiệu quốc gia. Giá trị kinh tế cao, song tiềm năng của các làng nghề truyền thống vẫn chưa khai thác hết. Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết: “Giá trị sản xuất làng nghề hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm. Nhưng ở thời điểm này, mới đạt khoảng 160 triệu USD/năm.

Đưa làng nghề truyền thống Việt Nam hội nhập quốc tế - ảnh 1Sản phẩm làng lụa Vạn Phúc. 

Tiềm năng lớn là vậy, song thực tế các sản phẩm làng nghề truyền thống tới nay vẫn chưa có một cơ quan hay tổ chức nào chịu trách nhiệm bao tiêu. Vấn đề đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm làng nghề truyền thống cũng chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng tầm. Thực trạng này khiến cho hàng Việt Nam truyền thống chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh là giải pháp quan trọng để làng nghề truyền thống Việt Nam hội nhập sâu rộng quốc tế.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã mỹ nghệ Hoa Mai, tỉnh Lào Cai, cho rằng: “Làng nghề truyền thống muốn phát triển, tiêu thụ được sản phẩm quan trọng nhất là phải có chương trình liên kết các nghề với nhau, giao lưu các vùng nghề luân phiên. Hiệp hội làng nghề nên liên minh với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Chúng ta nên có những có nhiều phiên chợ, ở đó các sản phẩm làng nghề được giới thiệu với du khách quốc tế thì có giá trị hơn, từ đó mở rộng, phát triển nghề truyền thống.”

Đưa làng nghề truyền thống Việt Nam hội nhập quốc tế - ảnh 2Sản phẩm làng gốm Bát Tràng 

Chính phủ thời gian qua có những biện pháp hiệu quả hỗ trợ làng nghề phát triển và hội nhập quốc tế. Nghị định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn trong đó có việc ưu tiên hỗ trợ làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt,

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” do Chính phủ triển khai, đã giúp nhiều làng nghề truyền thống hồi sinh, mở rộng thị trường. Hiệp hội làng nghề cũng phấn đấu xây dựng ở mỗi làng nghề truyền thống có ít nhất 1 đến 2 doanh nghiệp đầu đàn và mỗi thị trường trọng điểm nước ngoài cũng có vài doanh nghiệp đầu đàn.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho biết:“Nghệ nhân phải có sản phẩm tinh hoa. Nghệ nhân như là báu vật sống của làng nghề. Trước hết, phấn đấu có 100 sản phẩm tinh hoa, 100 làng nghề tiêu biểu và 100 nghệ nhân tiêu biểu. Đây là yếu tố kích thích, tạo sức sống mới cho các làng nghề. Trong 100 làng nghề tiêu biểu, hiện nay chúng tôi đã chọn được 64 làng nghề tiêu biểu..”

Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, chính bản thân các doanh nghiệp, các làng nghề cũng phải đầu tư thỏa đáng cho thương hiệu, tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng như sự năng động của chính các làng nghề, chắc chắn, sản phẩm của làng nghề truyền thống Việt Nam sẽ thâm nhập sâu rộng vào thị trường nhiều nước trên thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác