Hà Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp

(VOV5) - Đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Nam đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm khá hoàn chỉnh.

Phát triển kinh tế số đã và đang giúp tỉnh Hà Nam nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, công cuộc chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đóng góp vào phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp.

Được thành lập tháng 11/2019, sau 5 năm hoạt động, mô hình nuôi cá của Hợp tác xã Thủy sản sâu trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, đã khẳng định được chất lượng cá nuôi và các sản phẩm chế biến từ cá. Các sản phẩm của Hợp tác xã đã được thị trường khách hàng đón nhận.

Hà Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp - ảnh 1Các sản phẩm của Hợp tác xã Thủy sản sâu trong ao Hải Đăng được bán trên website của HTX. Ảnh chụp màn hình: HTX Thủy sản sâu trong ao Hải Đăng

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ áp dụng chuyển đổi số thông qua bán hàng trên sàn thương mại điện tử, các sản phẩm của Hợp tác xã đã tiếp cận được nhiều thị trường trong cả nước. Mỗi tháng, Hợp tác xã đón khoảng trên 100 lượt khách hàng đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Kinh doanh ổn định, doanh thu tăng trưởng tốt đã giúp tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: "Khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử thì chúng tôi tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, lượng khách hàng tăng lên rất là nhiều và các sản phẩm bán ra cũng tăng rõ rệt. Chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành tăng cường hỗ trợ  chuyển đổi số giúp các hợp tác xã tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn, tăng thu nhập, tăng nhân công lao động, đóng góp một phần sự phát triển của địa phương."

Cũng nhờ ứng dụng sàn thương mại điện tử, cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm, làng gốm Quyết Thành, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Anh Lại Tuấn Sơn, chủ cơ sở, chia sẻ: "Nhờ đẩy mạnh hoạt động bán hàng, marketing thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử mà gốm Liên Kiểm đã có nhiều khách hàng mới. Các chi phí bán hàng, chi phí kho bãi, chi phí quản lý giảm rõ rệt so với bán hàng theo phương thức truyền thống."

Hà Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp - ảnh 2Đến nay, tỉnh Hà Nam đã triển khai 02 sàn thương mại điện tử chính, thu hút gần 70 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp tham gia. Ảnh: Hanamtv

Tại Công ty dược thảo Minh Đức, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nấm đông trùng hạ thảo được trồng trong nhà có trang bị hệ thống điều hòa. Công nghệ số được ứng dụng để quản lý tự động quá trình sinh trưởng của nấm, bảo đảm chất lượng tốt nhất. Nấm đông trùng hạ thảo của công ty đã được chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và xếp hạng 3 sao.

Hoặc như ở HTX nông nghiệp và dịch vụ Mục Đồng, huyện Duy Tiên, đã và đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào phần lớn các khâu sản xuất, quản lý, tiêu thụ, qua đó tiết kiệm được nhân lực, chi phí, đẩy mạnh sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX, khẳng định: "Chúng tôi đang ứng dụng chuyển đổi số trên các cái sản phẩm sữa nói chung, cũng như quảng bá, tuyên truyền, trích xuất thông tin trên các fanpage, trên Zalo, Facebook…, để làm sao truyền đạt những thông tin về xuất xứ sản phẩm, vùng nguyên liệu, canh tác, sản xuất chế biến… Khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code hoặc mã vạch nhanh nhất. Nếu có sự thay đổi thông tin thì chúng tôi cũng đều cập nhật lên website, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số."

Tại những làng nghề truyền thống ở Hà Nam, việc ứng dụng chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ. Nhờ tận dụng tối đa tiện ích của mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thiết kế website doanh nghiệp với hình thức bắt mắt, nội dung thông tin đa dạng, cách thức mua hàng và thanh toán dễ dàng, công nghệ số đã đóng góp lớn vào doanh thu của các cơ sở sản xuất làng nghề. Nhiều sản phẩm làng nghề của Hà Nam từ lũy tre làng đã đến được với người dân trong nước và thế giới.

Đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Nam đã xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm khá hoàn chỉnh. Hiện, đã có gần 300 sản phẩm của hơn 40 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản của tỉnh được đưa lên hệ thống. Tỉnh Hà Nam cũng đã triển khai 02 sàn thương mại điện tử chính, thu hút gần 70 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp tham gia.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam, cho biết: "Chúng tôi tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở, hộ sản xuất, doanh nghiệp mở rộng dây chuyền sản xuất, hỗ trợ mở rộng địa bàn, thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông qua các dự án liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, Qua đó, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, hoàn thành các chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới."

Với sự chủ động từ người dân, các HTX, doanh nghiệp ở nông thôn cùng các chính sách hỗ trợ của tỉnh Hà Nam, sự tích cực của ngành chức năng, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề khu vực nông thôn ngày càng mạnh mẽ. Qua đó khai thác tối đa tiềm năng kinh tế nông thôn trên nền tảng số, dịch chuyển kinh tế nông thôn phát triển theo hướng “kinh tế số”.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác