Kon Tum: chuyện người dân Ba Na tích cực xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Sau 10 năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, diện mạo xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, nơi có đông đồng bào Ba Na sinh sống, đã thay đổi rõ rệt. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Hầu hết các tuyến đường giao thông được thảm bê tông hay nhựa đường. Nhiều công trình phúc lợi như trạm y tế, trường học, hội trường thôn, chợ; các công trình dân sinh nhà ở, nhà sàn truyền thống, nhà rông được làm mới hay tu sửa khang trang. Những triền đồi cà phê, bời lời, ngô, sắn, keo tràm rộng bạt ngàn đang phát triển xanh tốt...

Kon Tum: chuyện người dân Ba Na tích cực xây dựng nông thôn mới - ảnh 1Hệ thống giao thông nông thôn ở xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum cơ bản được bê tông hóa. Ảnh: VOV

Đăk Rơ Wa là xã có đông bà con người bào dân tộc thiểu số Ba Na sinh sống của thành phố Kon Tum. Toàn xã có 5 thôn, gần 860 hộ, với trên 2.600 nhân khẩu. Những năm trước, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, sắn cho hiệu quả kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, diện mạo nông thôn cũng như đời sống của người dân trong xã đã từng bước được cải thiện rõ rệt kể từ khi địa phương bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Tại làng Kon Jơ Dri, nằm bên kia cây cầu treo Kon Klor - cây cầu treo dài và đẹp nhất Tây Nguyên bắc qua dòng sông Đăk Bla theo hướng từ Trung tâm thành phố Kun Tum, nhiều tuyến đường bê tông sạch sẽ đã hình thành. Những nương rẫy cà phê, cây ăn trái và những trang trại chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao ngày càng xuất hiện nhiều.

Ông A Mỉm, một người dân trong làng cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, làng Kon Jơ Dri ngày nay đã có nhiều hộ gia đình làm kinh tế tốt, mỗi năm thu lãi từ 150– 180 triệu đồng từ trồng trọt hay chăn nuôi. Như chính gia đình ông, từ nguồn thu nhập làm kinh tế nông thôn, ngoài đảm bảo đời sống, còn có tích lũy để xây dựng nhà cửa và nuôi con cái ăn học. Ông A Mỉm tự hào chia sẻ: "Xây dựng nông thôn mới thì kinh tế phải phát triển và cho thu nhập tốt. Tranh thủ các nguồn vay ưu đãi, gia đình đã đầu tư trồng ca phê, bời lời, chăn nuôi bò, lợn để phát triển kinh tế. Từ các nguồn thu gia đình lại tái đầu tư đê phát triển hơn trước, cứ thế là gia đình thoát nghèo. Có tiền thì mình xây nhà, mua xe, nuôi con em ăn học. Khi có kinh tế thì mình chia sẻ và hỗ trợ các hộ khác làm theo. Xây dựng nông thôn mới là tất cả cùng phát triển mà".

Kon Tum: chuyện người dân Ba Na tích cực xây dựng nông thôn mới - ảnh 2Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum đã không còn nhà tạm. Ảnh: VOV

Cũng nối với Thành phố Kon Tum bằng cây cầu Kon Klor xinh đẹp, làng Kon Kơ Tu của xã Đăk Rơ Wa, cũng thay đổi mạnh mẽ từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà Y Maih ở làng Kon Kơ Tu phấn khởi cho biết, so với trước kia, việc đi từ làng ra trung tâm xã giờ đây chỉ còn mất rất ít thời gian, nhờ con đường ra trung tâm xã đã được bê tông hóa kiên cố và rộng rãi. Xe chở nông sản đi tiêu thụ hay đưa học sinh tới trường đều nhanh chóng và thuận tiện.

Bà Y Maih tự hào khoe rằng, trong sự đổi thay này, gia đình bà cũng đã có một phần đóng góp quan trọng: "Nhà tôi đã dịch hàng rào vào để hiến hàng chục mét vuông đất làm đường giao thông cho thôn. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước thì mình phải thực hiện làm theo thôi, xây dựng nông thôn mới mà. Có đường rồi thì đi lại thuận lợi, mưa không còn lầy lội nữa, nắng thì cũng không bị bụi bẩn. Các cháu nhỏ trong làng đi học cũng không lo trơn trượt hay bị ngã nữa. Kinh tế của bà con phát triển được cũng nhờ vào con đường thông thương cả đó...".

Ông Đoàn Văn Hậu – Chủ tịch xã Đăk Rơ Wa cho biết, xác định những khó khăn mà địa phương gặp phải, Chính quyền Đăk Rơ Wa đã chủ động xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, vạch ra các tiêu chí cụ thể qua từng năm để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Rồi từ đó, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân chung tay thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới của xã là khoảng 100 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 59 tỷ đồng, khoảng 60% kinh phí. Xã Đăk Rơ Wa đã nhựa hóa, bê tông hóa 35 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 3 trạm biến áp, kéo kết nối hoàn thành hệ thống lưới điện quốc gia.

Tại địa phương không còn nhà tạm, dột nát, chỉ còn 86/860 hộ nghèo, còn lại thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là gần 40 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2021 này, xã sẽ cán đích thêm nhiều tiêu chí nông thôn mới nữa và sẽ hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2023: "Xã đã đạt 12/19 tiêu chí. Trong năm 2021 này, chúng tôi sẽ hoàn thành 3 tiêu tiêu chí về giao thông, tổ chức sản xuất và môi trường. Kế hoách các năm tiếp theo chúng tôi cũng đã xây dựng lộ trình và triển khai tới nhân dân và các ban ngành đoàn thể tiếp tục thực hiện các tiêu chí tiếp theo. Đến đầu năm 2023, chúng tôi dự kiến sẽ cán đích nông thôn mới".

Đăk Rơ Wa đang chuyển mình đón một mùa xuân ấm no, sung túc. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ rực rỡ sắc xuân, đèn điện chiếu sáng đến từng thôn xóm. Bà con người Ba Na trong xã năm nay ăn Tết vui hơn khi mà thành quả xây dựng nông thôn mới bao năm qua giờ đã đơm hoa thơm, kết trái ngọt
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác