Làm giàu từ phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc

(VOV5) - Thế mạnh của xã Xuân Lai cũng như các xã miền núi nói chung là phát triển kinh tế đồi rừng, gắn với chăn nuôi đại gia súc.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây:

 Anh Hoàng Văn Liêm ở thôn Cây Tre, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái- Giám đốc Hợp tác xã Thiên An, là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế nông thôn ở vùng cao, miền núi. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân, anh Liêm còn góp phần làm thay đổi tập quán chăn nuôi, sản xuất của bà con nơi đây.
Làm giàu từ phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc - ảnh 1Anh Hoàng Văn Liêm chăm sóc đàn trâu bò. Nguồn: VOV

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, chàng trai trẻ Hoàng Văn Liêm, sinh năm 1986, cũng như nhiều thanh niên khác ở địa phương, phải xoay xở nhiều cách để mưu sinh. Vào tuổi trưởng thành, chàng thanh niên dân tộc Tày từ vùng núi Yên Bái xách ba lô tìm việc làm khắp nơi. Bôn ba nhiều nơi, anh Liêm nhận thấy công việc làm thuê rất nặng nhọc mà không đủ trang trải cho cuộc sống. Chính vì vậy, anh nung nấu ý định trở về làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Về quê, anh Liêm nhận thấy tiềm năng thế mạnh của xã Xuân Lai nói riêng và các xã vùng miền núi nói chung là phát triển kinh tế đồi rừng, gắn với chăn nuôi đại gia súc. Năm 2009, anh Liêm thành lập Hợp tác xã Thiên An, tập trung vào chăn nuôi trâu bò vỗ béo và chăn nuôi trâu bò sinh sản. Anh Hoàng Văn Liêm cho biết: "Tôi nhận thấy tại địa phương đất đã có sẵn rồi, cộng thêm với việc học hỏi kiến thức của các anh chị, các bác người đi trước nên tôi thành lập Hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp, rủ những người bạn liên minh lại. Hiện tại Hợp tác xã có 9 thành viên."

Thời gian đầu, anh Liêm cùng các thành viên đi khắp các tỉnh phía Bắc để tìm mua những con trâu, con bò gầy; sau đó chăm sóc những con trâu, bò này bằng hình thức nuôi nhốt cách ly. Trong quá trình nuôi, anh cũng như các xã viên luôn tuân thủ đúng quy trình kiểm dịch, tiêm vaccine đầy đủ. Ngoài ra, anh Liêm còn cho trâu, bò ăn thêm những loại thức ăn giàu đạm như ủ cỏ lên men, bã bia, cám ngô... Đặc biệt, anh Liêm và các thành viên Hợp tác xã sử dụng hệ thống phun sương, tắm mát cho đàn gia súc từ 7-8 tiếng/ngày. 

Cùng với chăn nuôi trâu bò vỗ béo, Hợp tác xã Thiên An còn chú trọng nghiên cứu, ứng dụng quy trình chọn tạo con giống có tầm vóc, hình dáng đủ tiêu chuẩn làm con mẹ để áp dụng thụ tinh nhân tạo. Từ đó, nâng cao năng suất và chất lượng con giống.

Làm giàu từ phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc - ảnh 2Mỗi năm, Hợp tác xã nuôi luân chuyển, xuất bán 1.500 con trâu, bò thịt và trâu, bò giống.. Nguồn: VOV

Sau hơn 3 năm hoạt động, Hợp tác xã Thiên An đã tạo chỗ đứng vững trên thị trường. Trung bình mỗi lứa, trang trại của Hợp tác xã chăn nuôi tập trung quy mô 100 đến 120 con. Mỗi năm, Hợp tác xã nuôi luân chuyển, xuất bán 1.500 con trâu, bò thịt và trâu, bò giống. Thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh Yên Bái, mà còn cung cấp cho các tỉnh bạn như Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Nội.  Các thành viên Hợp tác xã Thiên An đều có cuộc sống ổn định. Lợi nhuận bình quân của mỗi thành viên đạt khoảng 150 triệu đồng/năm.

Anh Hoàng Văn Kiểm, thành viên Hợp tác xã Thiên An, chia sẻ: "Từ khi gia đình được anh Liêm đưa vào làm một thành viên Hợp tác xã, gia đình đã nuôi trâu và phát triển nhiều hơn; đầu ra, đầu vào ổn định hơn."

Ông Nguyễn Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Xuân Lai, cho biết trước đây, bà con chủ yếu chăn thả gia súc tự do trên đồng ruộng, không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hoàng Văn Liêm là người tiên phong, làm gương để người dân thôn Cây Tre nói riêng, xã Xuân Lai nói chung, thay đổi nếp nghĩ và cách làm: "Từ mô hình của anh Liêm, hiện nay các hộ lân cận khác trong trong xã đã học tập để nhân rộng ra. Bây giờ không thả bãi nữa mà toàn bộ đều nuôi nhốt như vậy. Tư duy của bà con có sự thay đổi rất là rõ nét."

Không chỉ phát triển chăn nuôi, gia đình anh Liêm hiện còn trồng 10ha rừng, chủ yếu là bạch đàn. Nhờ đó, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi chu kỳ khai thác, 10ha rừng cũng mang về cho gia đình anh trên 600 triệu đồng. Nhờ cần cù chịu khó, năng động tìm hướng đi mới, đến nay, gia đình anh Hoàng Văn Liêm đã gây dựng được cơ ngơi khang trang. Trung bình mỗi năm, mô hình kinh tế tổng hợp mang về cho gia đình nguồn thu hơn 2 tỷ đồng

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác