Làng đúc đồng Ý Yên, Nam Định: lửa nghề vẫn sáng

(VOV5) - Đến với làng nghề đúc đồng Tống Xá, từ tinh mơ đến tận sẩm tối, đâu đâu cũng gặp hình ảnh những bếp lò đỏ rực lửa. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 20 km, làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá, huyện Ý Yên được coi là một trong những cái nôi lớn của nghề đúc đồng truyền thống với lịch sử phát triển gần 900 năm. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, làng nghề vẫn giữ được cái nghiệp cha ông để lại, đồng thời phát huy và lan tỏa ngày càng rộng rãi.

Nghề đúc đồng ở Tống Xá gắn với một truyền thuyết. Chuyện rằng, cách đây gần 900 năm, tại Phủ Yên Khánh (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), có ông Nguyễn Chí Thành ngay từ nhỏ đã xuất gia theo hầu Thiền sư Giác Không. Ông là người học rất giỏi, đi nhiều nơi, đem học vấn dạy cho mọi người. Trong một lần qua Tống Xá, ông đã dạy cho dân làng cách làm khuôn để đúc đồng.

Nhiều thế kỷ trôi qua nhưng nghề đúc đồng vẫn trường tồn. Để nhớ công lao của ông, dân làng đã lập đền thờ. Hàng năm, vào giữa tháng 2 âm lịch, làng mở hội để tưởng nhớ công lao người đã truyền nghề, đem lại sự nghiệp cho làng.

Làng đúc đồng Ý Yên, Nam Định: lửa nghề vẫn sáng - ảnh 1Sơ lược có 5 công đoạn chính để tạo ra một sản phẩm làm bằng đồng là: tạo mẫu, tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn, hoàn thiện sản phẩm và đánh bóng. Trong ảnh: Người thợ đang nấu chảy nguyên liệu đồng trước khi rót vào khuôn.  - Ảnh:Báo Tuổi trẻ thủ đô

Đến với làng nghề đúc đồng Tống Xá, từ tinh mơ đến tận sẩm tối, đâu đâu cũng gặp hình ảnh những bếp lò đỏ rực lửa. Người thợ đúc phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cách chọn đất xây lò, nhóm lửa, chọn đồng đến làm khuôn, nấu chảy các mẻ đồng… Tất cả phải được thực hiện thận trọng, chuẩn xác để đảm bảo cho sản phẩm không bị vênh và co ngót.

Ban đầu, làng Tống Xá chỉ đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương. Trải qua nhiều năm phát triển, nghề đúc ở đây đã phát triển vượt bậc. Đến nay đã sản xuất được hàng loạt sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng cao có đường nét mềm mại, hoa văn tinh tế phục vụ các di tích lịch sử văn hóa….

Ông Đỗ Thành Vỹ, một nghệ nhân ở làng Tống Xá, cho biết có 5 công đoạn chính để tạo ra một sản phẩm làm bằng đồng; đó là: tạo mẫu, tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn, hoàn thiện sản phẩm và đánh bóng. Riêng công đoạn làm khuôn đất là rất quan trọng: “Quan trọng nhất là lúc lấy khuôn, mình phải cạo thật đều xung quanh để cho đồng nó chảy khỏi chỗ dày chỗ mỏng bởi khi bị mỏng thì nó dễ bị thủng.”

Không chỉ với những đồ thờ mà theo nghệ nhân Vũ Duy Thuần, việc đúc tượng cũng đòi hỏi những kỹ thuật vô cùng khắt khe, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và bí quyết riêng: “Đối với một nghệ nhân là phải yêu nghề, cháy bỏng vì nghề, thật sự thổi hồn của mình vào pho tượng đó thì pho tượng đó mới có hồn, mới có thần. Nghệ nhân phải tỉ mỉ, cần cù, chịu khó và luôn luôn tìm tòi những cái mới.”

Làng đúc đồng Ý Yên, Nam Định: lửa nghề vẫn sáng - ảnh 2 Sản phẩm làm ra đều nhẵn mịn, đẹp và tinh tế không chỉ về hình

dáng mà cả các họa tiết đi kèm. - Ảnh:  dongyyen.com.vn

Anh Dương Văn Lân, một nghệ nhân ở làng Tống Xá, cho biết đúc đồng là một trong những nghề khá vất vả. Thợ đúc không chỉ đòi hỏi có sức khỏe tốt mà còn cần sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai. Mỗi khi đứng lò nấu đồng và rót đồng vào khuôn thực sự là một thử thách không hề nhỏ: “Vào mùa nóng, trong quá trình làm khuôn cũng rất nóng. Trong những hôm đúc, nhiệt độ trong lò là trên 1 nghìn độ C còn ở xung quanh phạm vi 20 m thì nó phải lên đến 60-70 độ C nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm ra những sản phẩm tinh xảo.”

Sau khi đồng đã được đổ vào khuôn, người thợ phải chờ đồng cứng lại và nguội đi rồi mới tiến hành dỡ khuôn. Theo anh Dương Văn Lân, đây mới chỉ là những sản phẩm thô và phải cần trải qua một công đoạn nữa cũng không kém phần quan trọng: “Khi mà làm các đồ thờ cúng thì người thợ rất là chú trọng từ khâu mài giũa, chạm tách thì đều rất là tỉ mỉ. Để mài giũa và chạm tách ra những cái đường nét hoa văn đẹp và các con giống nổi lên thì khi mà khách người ta nhìn vào người ta sẽ cảm thấy thích.”

Nghệ nhân Nguyễn Công Hơn cho biết hầu hết những công đoạn đúc đồng của làng nghề Tống Xá, huyện Ý Yên đều chủ yếu là làm thủ công theo truyền thống. Chính vì lẽ đó, mỗi sản phẩm làm ra đều nhẵn mịn, đẹp và tinh tế không chỉ về hình dáng mà cả các họa tiết đi kèm: “Mình làm ra tác phẩm đó nó đẹp rồi nhưng mình lại muốn làm nó đẹp hơn. Điều đó yêu cầu một con người không tính toán thời gian, cần mẫn, chịu khó, thậm chí là đến giờ ăn rồi có khi cũng tác phẩm chưa xong có khi là cũng không biết đói. Phải đam mê yêu nghề đến mức độ như thế thì mới làm được.”

Hiện nay, đồ đồng của làng Tống Xá, huyện Ý Yên, Nam Định không chỉ được tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đó tạo nên sự khác biệt lớn khi mà hiện nay, ở nhiều nơi nghề đúc đồng thủ công đã bị mai một.

Tin liên quan

Phản hồi

Nguyễn Tiến Đạt

Vùi lòng cho tôi xin địa chỉ cụ thể. Tôi muốn làm một số tác phẩm bằng đồng? Tôi cảm... Xem thêm

Các tin/bài khác